Lang yên: Khói đốt bằng phân chó sói.
Xem Khói báo chiến
tranh.
Lã Bất Vi : Xem Bất Vi gả vợ.
Lã đường thi tập: Tên tập thơ của
Sái Thuận. Xem Sái Thuận.
Lã Hậu (Lữ Hậu) :
- Hán thư - Sử ký: Tên Lã Tri, vợ Hán Cao
Tổ, sinh ra Hiếu Huệ Đế và công chúa Lỗ Nguyên.
Cao Tổ mất, Lã Hậu âm mưu cho những người họ
Lã giữ những chức vụ trọng yếu trong triều
đình. Bấy giờ vua còn trẻ, Lã hậu lo việc triều
chính chuyên quyền, tất cả hiệu lệnh đều do
Thái hậu đưa ra. Lã Hậu gọi mệnh lệnh của mình
là "Chế". Về sau, Lã Hậu phế Thiếu đế
rồi giết đi, lập những người họ Lã làm vương
mưu đồ giành ngôi cho họ Lã, ai chống lại đều
bị phế truất. Cho Thẩm Tự Cơ (Thẩm Dị Ky) làm
tả thừa tướng, Tự Cơ được Lã Hậu yêu từ
trước, cho xem xét việc trong cung, không làm việc
nước để tự do tư thông với nhau. Tự Cơ được
tin dùng, lũng đoạn triều Hán. Họ Lã nắm hết
binh quyền, sau nhờ có Chu Bột Trần Bình giúp,
nhà Hán mới giữ được đế nghiệp.
Trinh thử:
Từ khi khuất mặt Hán Hoàng.
Mà lòng tư túi với chàng Tự Cơ.
Lã Thượng:
Lã Vọng:
Lạc Phố:
- Thần nữ ở Lạc Phố, tên là Bột Phi, con gái vua
Phục Hy. Sách Quần Ngọc có chép chuyện Trần Tư
Vương gặp Thần nữ ở Lạc Phố.
Lai Tử: Xem Sân
Lai.
Lam Điền:
- Núi Lam Điền ở tỉng Thiểm Tây, Trung Quốc, nơi
sản xuất nhiều ngọc quý nổi tiếng.
Lam Kiều: Chỉ nơi có con gái đẹp.
- Truyền kỳ dẫn trong Thái Bình Quảng Ký: Đời
Đường, Bùi Hàng đến miền Ngọc Chữ thăm người
bạn cũ họ Thôi,khi trở về Bùi Hàng đáp thuyền
đi Tương Hán, nào ngờ cùng đi chung thuyền với
nàng Vân Kiều, người đẹp vào hàng quốc sắc.
Bùi được nàng trao tặng bài thơ:
Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sinh.
Huyền sương đảo tận kiến Vân Anh.
Lam Kiều tiện thị thần tiên quận.
Hà tất kỳ khu thương ngọc kinh. (Vừa uống
cạn chén Quỳng tương trăm mối cảm sinh. Thuốc
Huyền sương (thuốc tiên) giã xong thì được
thấy Vân Anh. Lam Kiều chính là nơi động tiên
đó. Hà tất phải vất vã bằng đường lên chốn
ngọc kinh.)
Bùi xem thơ, còn chưa hiểu hết ý ra làm sao. Về
sau, đến đất Lam Kiều nhân thấy cạnh đường có
ngôi nhà lá, trong nhà có một bà lão bện dây
gai. Bùi bèn ghé vào xin nước uống, bà lão gọi
Vân Anh đem nước ra mời, Bùi liền sực nhớ lại
câu thơ Vân Kiều tặng, trong bụng lấy làm nghi.
Uống xong, Bùi thấy bâng khuâng, cảm sắc đẹp
của Vân Anh đi không dứt, bèn thác bệnh xin trọ
lại, bà lão bằng lòng.
Tối đến, Bùi Hàng đem chuyện Vân Anh ra hỏi bà
lão và ngõ ý muốn đem hậu lễ đến đón nàng
về làm vợ. Bà lão bảo: "Ta nay đã già, mọi
việc chỉ nhờ cậy một mình Vân Anh là cháu gái.
Trước đây thần tiên có cho ta một thìa linh
dược cần có chày cối ngọc để giã mới dùng
được. Bao giờ nhà ngươi có đủ các thứ đó
mang lại thì ta sẽ gã cho. Còn vàng bạc gấm, vóc
ta không cần đến."
Bùi bái tạ ra về, quyết tâm mua cho bằng được
chày cối ngọc và khi mua được bèn mang đến Lam
Kiều thì cưới được Vân Anh làm vợ.
Lam Sơn:
- Núi ở thượng du Thanh Hóa, thuộc huyện Lương
Giang bấy giờ, là căn cứ phát tích của Lê Lợi.
Lam Thủy: Sông bắt nguồn từ tỉnh Thiểm
Tây, chảy qua Lam điền rồi đỗ vào Sông Bá.
Lan đình: Xem Thiếp Lan Đình.
- Quốc âm thi tập:
Này này phong cảnh hòa tri kỷ.
Lọ thốt Lan đình lại thẩm sơ.
Lá thắm: Do chữ "Hồng điệp đề
thi" (Đề thơ trên lá đỏ).
- Thái Bình Quảng Ký: Đời Đường, Vu Hựu
một hôm tình cờ bắt được chiếc là đỏ thắm
trôi trên một ngòi nước từ cung vua chảy ra,
trên có bài thơ:
Lưu thủy hà thái cấp.
Thâm cung cận nhật hàn.
ân cần tạ hồng điệp.
Hảo khứ đáo nhân gian. (Nước chảy sao xiết
vậy, trong thâm cung suốt ngày nhàn hạ, ân cần
tạ lá đỏ, khéo trôi tới chốn nhân gian).
Hựu bèn lấy một cái lá thắm khác và đề 2 câu
thơ:
Tằng vặng diệp thượng đề hồng oán.
Diệp thượng đề thi ký dữ thùy ? (Từng nghe
nỗi hờn oán của khách má hồng đề trên lá,
không biết trên lá đề thơ gửi cho ai ?).
Rồi đem thả vào đầu ngòi nước cho trôi vào
cung vua. cung nữ Hàn Thị, người thả chiếc lá
đỏ buổi trước, bắt được. Về sau, nhân dịp vua
thả 3000 cung nữ, Hàn Thị được ra, rồi lại tình
cờ kết duyên với Vu Hựu. Nhân đó mới làm bài
thơ rằng:
Nhất liên giai cú tùy lưu thủy.
Thập tải ưu tư mãn tố hòa.
Kim nhật khước thành loan phượng hữu.
Phương tri hồng điệp thị lương môi. (Một
đôi câu thơ đẹp trôi theo dòng nước chảy, 10
năm ôm bụng nghĩ ngợi âm thầm. Ngày nay thành
bạn loan phượng, mới biết lá đỏ ấy là bà mối
giỏi.)
Kiều:
Thâm nghiêm kín cổng cao tường.
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.
Lão quân: Thái thượng lão quân.
- Những người theo Đạo Giáo tôn Lão tử làm thủy
tổ, xưng là Thái Thượng Lão Quân.
Thần tiên truyện: Lão tử thuộc giới thần
linh, là linh khí của trời đất. Khi đắc đạo
rồi, ông cưỡi trâu đi về cửa quan phía Tây, ở
đây, ông dùng Thái huyền phù làm phép biến Từ
Giáp thành đống xương khô, rồi cũng dùng Thái
Huyền Phù làm Từ Giáp sống lại.
Xem Lão tử.
Lão tử: Thái thượng lão quân.
- Sử ký: ông họ Lý, tên Nhi, tự Bá Dương,
tên thụy là Đam. ông làm quan sử giữ kho chứa
sách của nhà Chu, là người đồng thời với Khổng
Tử. Lão tử trao giồi đạo đức, học thuyết của
ông cốt ở chổ giấu mình kín tiếng. ông ở nhà
Chu đã lâu, thấy nhà Chu suy bèn bỏ đi, không ai
biết ông chết thế nào. ông có làm sách gồm 2
thiên nói về đạo và đức gồm hơn 5000 chữ, tức
quyển "Đạo dức kinh". Hiện nay,
người theo Lão thì bài bác Nho và người theo Nho
thì bài bác Lãi. ông chủ trương Vô Vi mà
dân tự cảm hóa, thanh tĩnh mà dân tự quay về
đường phải.
Lăn lóc đá: Chơi cho bằng thích.
- Truyện đời xưa: Một anh con nhà giàu sau
khi cha mẹ chết chỉ lo đam mê tửu sắc, hoang phí
hết sạch tài sản rồi lâm vào cảnh bần cùng. Anh
ta hối hận đi tìm người thân thích nhờ vã, tu
chí lo việc làm ăn. Một hôm, anh ghé vào một
quán ăn bên đường nghĩ chân, gặp một cụ già
đang ngồi uống rượu. ông già thấy anh là người
nho nhã và có vẽ túng đói bèn mời anh cùng
ngồi uống rượu. Nhân đấy anh mới kể lể hoành
cảnh và ý định của mình. ông già nói: "
Anh không lo, tôi sẽ có cách giúp anh làm lại
cuộc đời. Tối nay tôi sẽ dắt anh đến xóm Bình
Khang chơi thỏa thíhc mai sẽ hay." Anh chàng
hết lời từ chối, lấy cớ trước kia vì ham mê
tửu sắc mà đến nỗi khuynh gia bại sản. Cụ già
cố mời và nói: "Trước kia vì chưa bao giờ
được ăn chơi chán chê nên mới miệt mài mãi
mà đến nỗi thế. Tối nay anh tha hồ chơi, ăn
chơi một phen cho thật thỏa thuê mê mệt để anh
chán ngấy cái thú yêu hoa, chừng đó anh mới có
thể lập nghiệp làm ăn được." Anh chàng
đành lòng nhận lời.
Tối hôm đó hai người tìm đến một xóm Bình
khang, cùng ăn uống no say thỏa thích. Chừng nữa
đêm, ông già cáo say đi ngũ mặc cho anh chàng
tha hồ đùa nghịch ân ái với hàng chục kỹ nữ
đẹp như tiên. Đến gần sáng, anh ta mệt lã ngũ
thiếp đi lúc nào không biết, kịp đến khi tỉnh
dậy, chỉ thấy mình nằm trên đỉnh núi toàn đá.
Thì ra hôm qua anh ta đùa nghịch với những hòn
đá to nhỏ lăn lóc quanh mình anh đó.
Lăng quân: Tín Lăng Quân, công tử
nước Ngụy. Xem Hư tả.
Lâm Tích: Xem Trả Châu.
Lân phụng:
- Hai con vật mà người xưa thường ví với hạng
người hiền hay những vật hiếm ít được thấy.
Đoạn ngọc Tài trong "Thuyết Văn" chú
rằng: Kỳ lân thân hình như con hươu to, một
sừng có thịt dày, không làm hại bất cứ vật gì
nên gọi là nhân thú. Phụng tức Phụng hoàng
(Phượng hoàng), giống chim báo điềm lành, xuất
hiện khi có thánh nhân ra đời.
Thuyết Văn chú rằng: Mình chim Phụng đàng trước
giống chim Hồng, đàng sau giống con hươu, cổ như
cổ rắn, đuôi như đuôi cá, trán như trán con
sếu, vằn như vằn rồng, lưng như lưng rùa, mỏ
như mỏ gà, lông có 5 sắc, khi xuất hiện thì
thiên hạ thái bình.
Chiêu hồn quốc ngữ văn: Ruổi dặm dài
quyết chí Côn Bằng.
Giúp đời trị mừng điềm lân phụng.
Lầu trúc Hoàng Châu:
- Tên một bài ký của Vương Nguyễn Chi có câu: "Nghi
vi kỳ, tử thanh đình đỉnh nhiên" (Nên
đánh cờ, tiếng con cờ kêu lát chát). Nói cái
thú an nhàn.
Lê Hoằng Dục:
- Con thứ hai của Lê Văn Linh, một khai quốc công
thần nhà Lê. Đời Lê Thánh Tông, ông vì có tài
mà được cử tiếp sứ giả nhà Minh. Sau được
thăng Thượng thư Bộ Lễ. Tác phẩm còn lại là 12
bài thơ "Giang Hành nghĩa thành" trong
"Toàn Việt thi lục".
Lê Khôi:
- Giữ chức Tư Mã, tham dự triều chính thời Lê
Thái Tổ. Nơi cửa bể Nam có đền thờ ông.
Lệnh Ngôn: Tức Diêu Lệnh Ngôn. Xem Hốt họ Đoàn.
Liêm Lạc:
- Chỉ Chu Đôn Di, người đất Liêm Khê và anh em
Trình Hạo, Trình Di ở đất Lạc Dương, cả ba
đều là những nhà Triết học đời Tống, có ra
làm quan nhưng không được đắc dụng, lại trở
về nhà dạy học.
Xem Sân Trình.
Liễu Chi: Xem Hàn
Dũ.
Liễu Chương Đài: Nói việc nbgười
yêu nhau phải xa cách.
- Toàn Đường Thi thoại: Hàn Hoành đời
Đường giỏi thơ, có yêu và kết duyên với một
người con gái phố Chương Đài trong thành
Trường An là Liễu Thị. Năm sau, họ Hàn về quê
thăm nhà, để Liễu thị ở lại Trường An. Không
may kinh đô có biến, Liễu Thị bị tướng giặc
cướp mất. Khi loạn được dẹp yên, họ Hàn cho
người đem vàng bạc và bài thơ "Chương
Đài Liễu" để dò hỏi thăm Liễu Thị. Chương
Đài Liễu, Chương Đài Liễu.
Tích nhật thanh thanh kim tại phủ ?
Túng cử trường điều tự cưu thùy.
Giã ưng phạn chiết tha nhân thủ.
(Cây Liễu ở Chương Đài, cây Liễu ở Chương
Đài.
Ngày trước xanh xanh nay có còn không ?
Cho dù cành dài còn buông rũ như cũ.
Thì có lẽ cũng đã vin bẻ vào tay người khác
rồi). Về sau, Liễu Thị được trở về với Hàn
Hoành.
Kiều:
Khi về hỏi Liễu Chương Đài.
Cành xuân đã bẻ cho người chuyền tay.
Liễu Kỳ Khanh:
- Tức Liễu Vinh, nhà thơ đời Tống, rất am hiểu và
thông cảm với các ca nhi, kỹ nữ.
Liễu lã cành:
- Từ câu thơ của Hành Hoành đời Đường: "Hàn
thực đông phong ngự Liễu tà" (Tiết hàn thực gió đông
thổi, cây liễu trong vườn ngự lã cành).
Liễu Nhữ: Xem ả
Tạ.
- Quan âm Thị Kính:
Câu thơ Liễu Nhữ ngâm chơi.
Dẫu tài ả Tạ dễ co cho tày.
Liễu Nghị:
- Người đời vua Trung Tông nhà Đường, đi thi
trượt về đến đất Kinh Dương thấy một người
đàn bà chăn dê đến nói rằng: "Thiếp là
con gái vua Đỗng Đình, gã cho con thứ vua Kinh
Xuyên, bị con hầu gái nó xúc xiểm thành ra đắc
tội với cha mẹ chồng nên phải truất đuổi đến
đây. Nghe chàng về qua Đỗng Đình, làm ơn đưa
hộ thiếp bức thư. Nhà thiếp ở cổng có cây mít
lớn, cứ gõ vào cây 3 tiếng thì có người
ra." Nghị theo lời, rồi nhân thể được
đón xuống chơi Long cung. Sau Nghị lấy người con
gái họ Lư, người con gái xưng mình chính là
Long nữ nhờ Nghị đưa thư ngày trước, rồi cùng
nhau đưa về ở Đỗng Đình.
Liễu Thị: Xem Liễu Chương Đài.
Liễu Trì: Xem ả
Tạ.
- Mai Đình Mộng ký:
Tục điêu gắng bộ Vân Tiên.
Liễu trì trước lá hoa tiên thế nào.
Liễu Vĩnh: Tức Liễu Kỳ Khanh. Xem Liễu Kỳ Khanh.
Linh Đài: Chỉ con tim, cõi lòng.
- Trang Tử: Bất khả nội ư linh đài
(Khó mà vào được trong con tim).
Lời chú rằng: Linh đài là con tim vì con tim có
Linh tri.
Hoa Tiên:
Đeo đai trót một tiếng Đà.
Đài thiêng hổ có trăng già chứng tri.
Linh Phụng gặp Ngô Đồng:
- Chim Phượng thiêng tìm đậu ở cây Ngô Đồng, ví
người hiền tài được ở đúng địa vị xứng
đáng.
Thơ Quyền A Kinh Thi khuyên vua cầu dùng người
hiền tài, ví họ như chim Phượng gặp Ngô Đồng,
như tôi hiền gặp vua sáng.
Thơ có đoạn: "Phượng hoàng minh hỉ, vu
bỉ cao cương, Ngô Đồng sinh bỉ, vũ bỉ triệu
dương, Bổng bổng thê thê, cung ứng giai
giai." (chim Phượng chim hoàng cùng hót ở
trên đồi cao kia. Cây Ngô đồng mọc tốt tươi
nơi sườn đồi mé đông, cành lá sum xuê tươi
tốt, tiếng hót hòa âm vang vang).
Đại Nhã: Lời sớ chép: Phượng hoàng chi
tính phi ngô đồng bất thê, phi trúc thực bất
thực." (Tính chim Phượng chim Hoàng, không
phải cây ngô đồng không đậu, không phải quả
trúc không ăn).
Linh quân:
- Tên chữ của Khuất Nguyên, nhà thơ nước Sở thời
Chiến Quốc. Xem Khuất
Nguyên.
Linh Sơn:
- Núi Chí Linh thuộc xã Giao An, Lang Chánh, thượng
du tỉnh Thanh Hóa. Lê Lợi bị giặc vây ở đây.
Long đọi:
- Tên ngọn núi phía đông nam huyện Duy Tiên, nay
thuộc Hà Nam Ninh. Đời vua Lý Nhân Tông dựng
chùa và bảo tháp Diên Linh, có bài ký khắc bia.
Cuối đời Trần, giặc Minh phá chùa, phá đổ bia.
Đầu đời Lê mới dựng lại.
Long Đồ: Tức Bao Chưởng. Xem Bao Chưởng.
Long Đỗ: Tên thành Thăng Long xưa.
Long Quang động: Tên một ngôi động
đẹp ở huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.
Lộ Bố Văn: Là một loại văn thư để
ngõ như thông cáo ngày nay.
- Ngày xưa, một đạo quân chính nghĩa sắp đi
đánh dẹp đâu đó thường gửi tờ "Lộ Bố
Văn" đến trước kể tội trạng đối
phương đồng thời nêu mục đích chính nghĩa
hành động chinh phạt của mình. Bài văn thường
được viết vào dãi lụa trương lên.
Lỗ Trọng Liên:
- Người nước Tề thời Chiến Quốc, tính không chịu
gò bó câu thúc, suốt đời ở ẩn không ra làm
quan. ông sang Triệu, gặp lúc Tần mang quân bao
vây Triệu gấp lắm. Sứ nước Ngụy tìm đến Triệu
mưu việc tôn Tần làm hoàng đế để cầu Tần bãi
binh. Trọng Liên phản đối và vì đại nghĩa mà
nói với sứ nước Ngụy là Tôn Viên Diễn rằng "Nếu
Tần xưng đế thì Liên này sẽ nhảy xuống bier63n
đông mà chết thôi.". Tần hay tin bèn lui
quân 50 dặm và rồi dẫn quân về. Triệu được
giải vây. Bình Nguyên Quân muốn đem ngàn vàng
dâng tặng Trọng Liên, ông từ chối, cười nói: "Cái
quý trong thiên hạ đối với kẻ sĩ là vì người
là giúp cứu nạn, không nghĩ đến chuyện của
biếu xén như việc con buôn."
- Về mục lục L
Lộng Ngọc:
- Con gái Tần Mục Công, vợ Tiêu Sử. Sách nói hai
người đều thành tiên lên trời.
Thiên hạ di kỷ: Thẩm A Chi trong năm Thái
Hòa đời Đường, một đêm ngũ ở nhà trọ chiêm
bao thấy Tần Mục Công nói Tiêu Sử đã chết bèn
đem Lộng Ngọc gả choThẩm. ở với nhau được một
năm thì Lộng Ngọc cũng lại chết. Tỉnh dậy té ra
là chiêm bao.
Xem Tiêu Sử.
Lốt chó: Xem Nối
Điêu.
Lời hạ quỹ: Lời người gùi sọt cỏ (Hạ
là gùi, quỹ là cái sọt).
- Luận Ngữ: Khổng Tử đánh Khánh (Một nhạc
cụ cổ) ở nước Vệ, có người gùi sọt cỏ đi qua
cửa nói: "Người đánh khánh có thâm ý
làm sao ! không ai biết mình thì thôi đi thôi.
Nước sâu thì mặc áo, không qua; nước cạn thì
xắn áo lội qua" (ý khuyên Khổng Tử tùy
thời mà hành đạo, được thì làm, không được
thì thôi).
Lợn Bối Khâu:
- Đời Xuân Thu, Tế Hầu ra săn ở đất Bối Khâu,
thấy một con lợn lớn. Kẻ theo hầu nói: "Đó
là công tử Bành Sinh hiện lên đấy." Tế
Hầu nói: "Bành Sinh sao được như thế
!" Bèn bắn một phát, con lợn đứng lên
như người mà khóc. Hầu sợ, ngã xe, bị thương
ở chân và rơi mất giày.
Lục bộ: 6 bộ mạch.
- Đông y bắt mạch cổ tay chia bên trái và bên
phải, mỗi bên có 3 bộ là Thốn, Quan, Xích. 2 bên
thành 6 bộ. Bên trái có mạch tim, ruột non (bộ
Thốn), gan mật (bộ quan), thận, bong bóng (bộ
xích). Bên phải có phổi, ruột già (bộ thốn),
tì, vị (bộ quan), mạng môn, tam tiêu (bộ xích).
Lục Châu:
- Lục Châu là vợ lẽ Thạch Sùng, khi bị Triệu
Vương Luận cưỡng búc lấy về, nàng từ trên lầu
gieo đầu xuống tự tử. Thôi Giao khi thương tiếc
người tình bị bán vào nhà quan Liên Súy Vu
Địch có câu: "Lục Chây thùy lệ thấp la
câu" (Lục Châu tuôn lệ ướt khăn là).
Lục độ: 6 con đường tu hành của nhà
Phật.
- Con đường tu hành của Bồ Tát là: Bố thí, Trì
giới, Nhẫn nhục, Tinh biến, Thiền định, trí tuệ.
Lục kinh: 6 bộ kinh của Nho Giáo.
- 6 kinh là: Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc và Xuân Thu;
là các sách kinh điển của Nho giáo do Khổng Tử
soạn.
Lục Lâm:
- Hậu Hán Thư: Cuối thời Vương Mãng, miền
Nam mất mùa đói khát, dân chúng từng đoàn
người vào các miền đầm lầy tìm bắt cua ốc để
ăn rồi sinh ra tranh cướp lẫn nhau. Vương
Khương, Vương phụng thẳng thắn lo dàn xếp ổn
thỏa cho mọi người và kêu gọi dân chúng đứng
lên khởi nghĩa. Dân chúng khắp nơi theo về với
họ Vương có đến 7, 8000 người, lập căn cứ ở
vùng rừng Lục Lâm về phía đông bắc thuộc Kinh
Châu, huyện Đương Dương. Sau dùng từ này để
chỉ bọn cướp ở trong rừng.
Lục Nhâm, Lục Giáp: Tên gọi 2 môn
thuật bói toán.
- Lục nhâm có sách "Lục Nhâm đại
toán" nói về cách xem "Nhâm".
Lục Giáp có sách "Cơ môn độn giáp"
nói về cách xem "Độn".
Lục quân, Tử vật: Tên gọi 2 thang
thuốc căn bản chữa Khí và Huyết.
Lục Thông: Xem Tiếp Dư.
Lục Thủy:
- Địa danh ở thượng lưu sông Chu, phía trên Lam
Sơn. Quân Minh bị quân Lê Lợi mai phục đánh cho
đại bại ở đấy vào tháng giêng năm Mậu Tuất
(1418).
Lũng Thủy: Tên 1 suối nước ở Lũng
Sơn, Thiểm Tây, Trung Quốc.
- Văn học cổ dùng Lũng Thủy tượng trưng cho chổ
ở của chinh phu vì nó ở mạn biên giới phía Tây.
Các đời Tần Hán thường có quân đóng ở đây.
Lư, Lạc:
- Lư Chiếu Lâu và Lạc Tân Vương là 2 danh sĩ
đời Đường Cao Tông. Bùi Hành Kiêm thường chê
là những người nóng nảy, xốc nỗi, không phải
là kiểu người được hưởng tuớc lộc. Sau, Lư
vì ác tật mà gieo mình xuống nước chết, Lạc
thì vì dự vào Đảng loạn phản mà chết, đúng
như lời Kiệm nói.
Lư san mạch phú: Tên bài phú nói về
cách xem mạch.
Lữ Phụng Tiên, Điêu thuyền:
- Thông Chi1: Lữ Phụng Tiên, tức Lã Bố,
người đất Cửu Nguyên đời Hậu Hán. Trưóc thờ
Đinh Nguyên làm nghĩa phụ, sau lại giết Đinh
Nguyên về làm con nuôi Đổng Trác. Bấy giờ,
Đổng Trác chuyên quyền, khuynh loát triều đình,
âm mưu cướp ngôi vua nhà Hán. Đổng Trác lại
có Lã Bố là tướng kiêu dũng nên các công khanh
ai cũng sợ Trác. Chỉ có một mình Tư đó Vương
Doãn bề ngoài tuy nhún nhường, chịu nhẫn nhục
nhưng trong bụng lo việc giết Đỗng Trác. Trong
phủ Vương Doãn có người con hát tên là Điêu
Thuyền được kén vào phủ từ thuở nhỏ, được
dạy cho múa hát, tuổi mới 16 đã đủ cả sắc
tài. Doãn thương yêu như con đẻ. Doãn biết hai
cha con Đỗng Trác, Lã Bố cũng cùng tuồng hiếu
sắc bèn dùng kế liên hoàn: Trước đem Điêu
thuyền gả cho Lã Bố, sau lại đem gả cho Đổng
trác. Điêu thuyền ở trong tùy tiện lập kế ly
gián 2 bố con. Bố cho Trác cướp vợ mình, Trác
nghi Bố ghẹo và yêu vợ yêu của hắn, để cho Lã
Bố giết Đổng Trác. Lã Bố vốn là kẻ hữu dũng
vô mưu, thấy lợi quên nghĩa nên trúng kế Vương
Doãn, giết Đổng Trác, lấy Điêu Thuyền làm vợ.
Lã Bố d9ánh nhau với Tào Tháo, bị dư đảng của
Trác kéo quân vào kinh thành đánh bại. Sau Lã
Bố bị Tào Tháo bắt, thắt cổ chết. (Hậu Hán
liệt truyện).
Trinh Thử:
Điêu Thuyền há chính chuyên nào.
Khi ra Lã Bố, khi vào Đổng Công. Vân Tiên:
Trực rằng ai Lữ Phụng Tiên.
Phòng toan đem thói Điêu Thuyền trêu ngươi.
Lửa Côn Sơn:
- Chữ ở Thiên Thuấn Điển trong Kinh Thư: "Hỏa
viêm Côn Cương, ngọc thịnh câu phân."
(Lữa đốt non Côn, ngọc đá đều cháy).
Lữa duyên:
- Theo quan niệm nhà Phật, con người sở dĩ đau khổ
là vì vướng vào "Thập nhị nhân
duyên", giống như 12 nguyên nhân bao gồm
cả nguyên nhân vật chất lẫn nguyên nhân tinh
thần. Lữa duyên ý nói những nguyên nhân
này giống như thứ lữa có thể đốt cháy tất cả.
Lữa đốt A phòng:
- A phòng là tên một cung lớn cực kỳ xa hoa tráng
lệ do Tần thủy Hoàng cho xây dựng ở Trường An,
tỉnh Thiểm Tây.
Sử ký: Vì cung này gần cung thất nhà vua
nên thiên hạ gọi đó là cung A phòng (A là gần).
"A phòng cung phú" của Đồ Mục có
viết: Lục vương tất, tứ hải thất, thục san
ngột, A phòng xuất, phúc áp tam bách, dư lý,
cách ly thiên nhật ly san bắc cấu nhi tây chiết,
trực tẩu Hàm Dương ngũ bộ nhất lâu, thập bộ
nhất các." (Vua 6 nước (Tề, Sở, Hàn,
Yên, Triệu, Ngụy) đổ, 4 biển thống nhất (về
Tần), núi Thục trọc bằng trên đỉnh, cung điện
lâu đài liên tiếp nhau đến hơn 300 dặm, cao
trông như cách trời không xa, xây dựng từ phía
Bắc núi Ly Sơn, quanh quanh về phía tây, chạy
thẳng đến đất Hàm Dương... cách 5 bước có
một cái lầu, cách 10 bước có một tòa gác). Khi
đánh Tần, Hạng Vũ thống lĩnh quân chư hầu, đem
binh về hướng Tây, làm cỏ thành Hàm Dương,
giết vua Tần đã đầu hàng là Tử Anh, đốt cung
thất nhà Tần cùng cung A Phòng, lửa cháy liền 3
tháng không tắt.
Lửa Tần trong Hạng: Chỉ cảnh tàn bạo,
đốt phá trong chiến tranh.
- Sử ký: Tần Thủy Hoàng sợ các nhà Nho chê
bai chính sách của mình bèn bắt đốt hết các
sách sử (trừ sử nhà Tần), các kinh truyện, các
sách của Bách gia chư tử. Hai người dám bàn nhau
về Kinh Thi thì bị chém giữa chợ, lấy đời xưa
mà chê bai đời nay thì giết cả họ. Quan lại
biết mà không tố cáo thì cũng bị tội. Lệnh ban
ra trong vòng 30 ngày không đốt sách thì khắc
vào mặt cho đi thú để xây và canh giữ Trường
Thành. Hạng Vũ phá cửa Hàm Cốc, đưa binh về
hướng Tây làm cỏ thành Hàm Dương, đốt cung
thất nhà Tần, lửa cháy 3 tháng liền không tắt.
Lương Giang: Sông Chu, đoạn chảy qua
Lam Sơn.
Lương Công: Xem Tố Nga.
Lương Ngọc: Xem Hạnh Ngươn.
Lương Vũ Đế:
- Lương Vũ Đế họ Tiêu tên Diễn, ban đầu làm
quan nước Tề. Vua Tề vô đạo giết anh, Tiêu Diễn
khởi binh vây hãm kinh đô, lập vua mới tức Hòa
Đế. Hòa Đế vời Diễn làm Đại tư mã, phong làm
Lương Vương. Năm Trung hưng thứ 2 (502), vua Tề
nhường ngôi cho, đặt quốc hiệu là Lương. Sau
Hầu Cảnh làm phản, vây hãm Đài Thành, Lương
Vũ Đế phải chết đói.
Lưỡng Kiên (núi):
- Núi thuộc huyện Đông Thành, nay là huyện Diễn
Châu, tỉnh Nghệ Tĩnh, núi có hình dáng như hai
bên vai nên mới có tên là Lưỡng Kiên (Hai
vai).
Lưỡng quốc Trạng nguyên:
- Nguyễn Trực, con Nguyễn Thời Trung quê làng Bối
Khê, huyện Thanh Oai (nay thuộc tỉnh Hà Sơn Bình),
sau dời sang làng Nghĩa Bang, huyện Quốc Oai.
Nguyễn Trực đỗ trạng nguyên khoa Nhâm Tuất, niên
hiệu Đại Bản thứ 3 (1442) Triều Lê Thánh Tông,
làm quan dưới triều Lê Nhân Tông, Lê Thánh
Tông, giữ chức Hàn Lâm viện thị giảng, Quốc tử
giám tế tửu.
ông từng đi sứ Trung Quốc, tương truyền đúng
dịp nhà Minh mở khoa thi, ông cùng sứ thần các
nước khác dự thi và đỗ Trạng nguyên nên gọi
là "Lưỡng quốc trạng nguyên".
Lưu Cầu:
- Tên một hòn đảo ở Nhật Bản, xưa kia nỗi tiếng
là nơi có thép tốt để làm dao,vì vậy Lưu
Cầu dùng để chỉ dao sắc, dao tốt.
Lưu Côn, Tổ Địch:
- Thời Tấn, cả 2 đều làm quan chủ hạ Tư Châu, họ
cùng ngũ chung. Nữa đêm, nghe gà gáy, Địch đá
vào chân Côn mà nói: "Tiếng gà gáy không
phải là tiếng gỡ". Thế là họ cùng dậy múa
kiếm.
Khi ấy, Ngũ Hồ làm loạn Trung Nguyên, vua phong cho
họ làm tướng dẹp loạn. Côn nằm gới giáo đợi
sáng, có chí tiểu trừ nghịch tặc. ông thường
nói: "Ta chỉ sợ Tổ Sinh (Địch) quất roi
vào đầu giặc trước ta thôi.
Xem Tổ Địch.
Lưu Cung:
- Vua Nam Hán (Trung Quốc), Lưu Cung sai con là Hoằng
Thao đem quân xâm lược nước ta,bị Ngô Quyền
đánh bại năm 938.
Lưu Dự:
- Làm tôi vua Khâm tôn đời Tống, đỗ Tiến sĩ nhà
Kim, làm chức Thị Ngự sử nhưng từ nhỏ vốn là
người vô hạnh. Khi Kim đánh Tống, Lưu Dự hàng
Kim được kim phong quan chức rồi lập thành hoàng
đế bù nhìn, đặt quốc hiệu là Đại Tề, sau bị
Kim phế.
Lưu Linh:
- Tự Bá Luân, người đời Tấn trong nhóm Trúc
lâm thất hiền (7 người hiền trong rừng Trúc).
Tính phóng khoáng, thích uống rượu và uống
không biết say, có làm bài "Tửu đức
tụng" ca ngợi việc uống rượu.
Lưu Thần, Nguyễn Triệu:
Lưu Vô Song:
- Đời Đường, là vợ chưa cưới của Vương Tiên
khách. Gặp loạn, nàng bị hãm vào trong cung
đình. Tiên Khách nhờ được nghĩa sĩ Cổ áp Nha
dùng kế đưa một thứ thuốc cho nàng uống chết
đi rồi giả làm thân thuộc chuộc thây nàng ra.
Sức thuốc nhạt, nàng lại hồi sinh. Vợ chồng đưa
nhau đi trốn rồi ở lại với nhau đến già.
Lý Anh:
- Thời cuối Trần, Vua Minh sai chức Xá Nhân là Lý
Anh xuống Vân Nam đòi mượn đường đi sang Chiêm
Thành, yêu sách những voi, ngựa, lương thảo bắt
ta phải cung đốn.
Lý Bạch: Nhà thơ lớn đời Đường.
Lý Chế: Tức Đế Thích, vua cờ. Xem Đế Thích.
Lý Hạ: Tức Trường Cát, người có tài
văn thơ.
Lý Lăng:
- Người đời Hán, tự Thiếu Khanh. Thời Hán Vũ Đế
được phong chức Kỵ Đô Uựy, cầm quân sang đánh
Hung Nô, thế cô lực kiệt phải hàng giặc.
Lý Nhi: Tên tự của Lão Tử. Xem Lão Tử.
Lý ông Trọng:
- Theo truyền thuyết, ông người làng Chém tức làng
Thụy Hương, hyện Từ Liêm, nay thuộc ngoại thành
Hà Nội. ông rất cao lớn, có sức khỏa hơn
người, từng giữ chức Hiệu Uựy đời Trần. Oai
danh ông lừng lẫy khiến người Hung Nô khiếp sợ.
Sau khi mất, Tần Thủy Hoàng cho đúc tượng đồng
giống hình ông để ở cửa Tư Mã tại Hàm Dương
để uy hiếp Hung Nô.
Lý Quân: Xem Người khóc tượng.
Lý Tĩnh:
- Đời Đường, Lý Tĩnh vào thăm một vị đại thần
là Dương Tố. Tố có ả hầu tay cầm cái phất
trần đỏ (Hồng phất) đứng hầu, đưa mắt nhìn
Tĩnh. Tĩnh về nhà, chừng nữa đêm có người
mình mặc áo tía. Đầu đội mũ đỏ đến gõ cửa.
Tĩnh mở cửa mời vào, người ấy bỏ mũ áo ra thì
là một mỹ nhân, hỏi thì nói: "Em là người
cầm phất trần đỏ ở nhà họ Dương đây mà, xin
đem thân cát đằng
nương bóng tùng quân." Hai người bèn đưa
nhau lên Thái nguyên kết làm vợ chồng.
Lý Uyên: Tên tục của vua Đường Cao
Tổ. Xem Bắn sẽ.