Ba sinh :
- Ba kiếp luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác của
con người là : Quá khứ, hiện thực và Vị lai.
Theo Cam Trạch Đạo : Lý Nguyên đời Đường
cùng Viên Trạch đến chơi núi Tam Giáp, gặp một
người đàn bà gánh vó đi lấy nước giếng. Viên
Trạch nói : "Bá đó là nơi thác thân của
tôi, 12 năm sau tôi sẽ gặp lại bác tại mé ngoài
chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu." Đêm hôm
đó Viên Trạch mất. 12 năm sau, Lý Nguyên tìm
đến nơi đã hẹn, gặp một đứa trẻ chăn trâu
hát rằng : "Tam sinh thạch thương cựu linh
hồn... thử thân tuy dị tính trường tồn"
(Linh hồn cũ gửi lại ở đá ba sinh, thân này tuy
khác nhưng tính vẫn còn mãi như xưa). Lý Nguyên
biết đứa trẻ chăn trâu đó chính là Viên
Trạch.
Duyên nợ ba sinh : Duyên nợ với nhau trong cả 3
kiếp.
Kiều :
Vì chăng duyên nợ ba sinh.
Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi.
Ba thanh : Tam thanh.
- Chỉ 3 cung của đạo giáo là : Ngọc Thanh, Thượng
Thanh và Thái Thanh, là nơi ở của thánh nhân,
chân nhân và tiên nhân.
Bá Chương : Tên tự của Lão tử.
Bá Di, Thúc Tề :
- Bá Di, Thúc tề là 2 con vua Cô Trúc, chư hầu của
nhà ân. Vua Cô Trúc muốn Thúc Tề nối ngôi nhưng
khi vua mất, Thúc Tề nhường ngôi cho Bá Di, Bá Di
không nhận bèn bỏ đi nơi khác. Thúc Tề cũng bỏ
nước mà đi, người trong nước phải lập con thứ
lên thay. Bá Di, Thúc Tề nghe tiếng Tây Bá (Tức
Chu Văn Vương) là người hiền nên mới theo về
với ông ta. Đến khi Tây Bá chết, Vũ Vương dùng
mộc chủ Văn Vương kéo quân sang đánh Trụ. Bá
Di, Thúc tề ghìm cương ngựa can, cho đó là việc
làm bất nhân. Khi vua Vũ diệt xong nhà ân (vua
Trụ), dựng nghiệp nhà Chu, Bá Di và Thúc Tề lấy
việc nước mất làm xấu hổ mới bỏ đi ở ẩn ở
núi Vũ Vương, hái rau vi mà ăn chứ không ăn
thóc nhà Chu. Đến ngày đói gần chết, mới làm
bài hát lời rằng : "Đăng bỉ tây sơn hề,
thái kỳ vị hỉ ! dĩ bạo dịch bạo hề bất tri kỳ
phi hi ! Thần nông ngụ hạ hốt yên một hề, ngã an
thích quy hỉ ! Vu ta tồ hề mệnh chi suy hỉ."
(Ta lên núi Tây sơn (tức núi thú Dương) này
hái khóm rau vi ! tôi bạo ngược thay chúa bạo
ngược, không biết điều trái của mình ! Đạo
nhường nhau từ đời Thần nông Ngu Hạ bổng mất
hẳn, ta thư thái mà chết, thật mệnh ta suy). Cả
hai người đều chịu chết đói trên núi Thú
Dương. (Sử ký quyển 61, Thông Chí quyển 177...).
Bá Đạo : Tên tự của Đặng Di, người
đất Thương Lăng đời Tấn.
- Thông Chí : Khi ông giữ chức Thái thú đất
Hà Đông, một năm có biến ông phải đưa cả vợ
con và đứa cháu (con người em đã chết, để lại
ông nuôi) chạy trốn. Giữa đường gặp bọn cướp
lấy hết cả xe ngựa, vợ chồng phải đi bộ thay
nhau gánh các thứ còn lại, kể con và đứa cháu.
Khi gánh chạy sang sông, ông liệu không thể nào
bảo toàn được cả con và cháu mới nói với vợ
rằng : "Em ta chết sớm, chỉ có một đứa
con, lý không thể để tuyệt, ta phải bỏ con lại,
may mà sống, chúng ta còn có thể có con
khác." Vợ khóc mà nghe theo. Khi chạy đến
đất Giang Đông, ông được cử làm Thái Thú Ngô
quận. ông làm quan nổi tiếng thanh liêm, một lòng
lo việc chung nên rất được lòng dân. ông từ khi
bỏ con đem cháu chạy trốn, vợ không chữa đẻ gì
nửa, cho đến lúc chết vẫn không có con nối dõi.
Người đương thời có ý thương ông mà có câu
rằng : "Thiên đạo vô tri sử Đặng Bá
Đạo vô nhi" (Đạo trời không còn khiến
Đặng Bá Đạo không con).
Bá Khôi : Tên tự của Dương Chấn. Xem Tứ Tri.
Bá Nha, Tử Kỳ : Hai người bạn tri âm
thời Xuân Thu. Xem Nước
non.
Bà Nữ Oa : Nhân vật thần thoại phương
Đông đội đá vá trời.
Bạch Đằng Giang :
- Dòng sông chảy qua vùng Quảng Ninh, Hải Phòng,
đổ ra cửa Nam Triều. Nơi đây đã chứng kiến
những chiến công lẫy lừng của dân tộc : Thế kỳ
10, Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán, thế kỳ 12
Trần Quốc Tuấn phá tan quân Nguyên.
Bạch Hạc :
- Tên một đoạn sông Hồng, ở chổ ngã 3 sông Lô,
sông Đà, sông Thao hợp dòng, thuộc địa phận
huyện Bạch Hạc, Vĩnh Phú ngày nay.
Bạch Hàm, Như Hoành :
- Tên hai nhân vật nổi tiếng thơ văn, tài hoa trong
truyện "Bình Sơn lãnh Yến", tức Yến
Bạch Ham và Bình Như Hoành cùng với Sơn Đai và
Lãnh Giáng Tuyết là 4 nhân vật tài hoa.
Bạch Liên Hoa :
- Thày chùa Huệ Viễn đời Tấn cùng các bạn tu 18
người hội họp gọi là hội Bạch Liên Hoa, viết
thơ mời Đào Uyên Minh đến dự. Uyên Minh bảo có
cho uống rượu mới đến. Viễn nhận lời, nhưng khi
đến nơi không có rượu, Uyên Minh không bằng
lòng, cau mày bỏ đi.
Bạch Nha (động) :
- Tên một ngôi động đẹp trong dãy núi Thần Phù
(Còn gọi là Thần đầu hay Giáp Sơn) ở huyện Nga
Sơn, Thanh Hóa.
Ban Cơ : Người có tài học triều vua
Hòa đế. Xem Nàng Ban.
Bạn đỏ : Từ chữ : Hồng Hữu,
tên một thứ rượu.
Bàng Cử : Tên tự của Nhạc Phi.
Bàng Mông, Hậu Nghệ :
- Tên hai nhân vật thiện xạ trong truyền thuyết cổ
Trung Quốc, Bàng Mông là học trò Hậu Nghệ.
Tương truyền thời xưa có 10 mặt trời, Hậu Nghệ
đã dùng cung thần bắn rơi hết 9.
Bàng Quyên : Tên nhân vật ở nước
Ngụy thời Xuân Thu. Xem Tôn
Tẫn.
Bàng Thống : Nhân vật cùng với Khổng
Minh giúp Lưu Bị ở đất Kinh Châu.
Bành Tổ : Chỉ người sống lâu.
- Thần tiên truyện : Bành Tổ, họ Tiên tên
Khanh, là cháu xa đời vua Chuyên Húc. Vua Nghiêu
phong cho ông đất Đại Thành (tức Bình Thành) vì
thế nên gọi ông là Bành Tổ. Trải qua nhà Hạ
đến cuối nhà ân, ông đã 767 tuổi mà vẫn còn
khoẻ, được mời ra giữ chức Đại phu. Thuở nhỏ,
ông thích điềm tĩnh, không thiết gì công danh
phú quý, chủ việc dưỡng sinh. Khi phải ra làm
quan, ông thường cáo ốm ở nhà, không dự gì
đến chính sự.
Bao Chưởng :
- Tục Thông Chí : Bao Chưởng, người đất
Hợp Phì đời Tống, tự Hy Nhân, đỗ tiến sĩ thời
Tống Nhân Tông, làm tri phủ Khai Phong có tiếng
là xét xử án giỏi, án khó mấy xét cũng ra.
Tính ông cương nghị, không a dua. Các quý thích
hoạn quan kính sợ ông mà không dám buông tuồng
phóng đãng. ông rất ít cười, có tập sách nhan
đề: "Long đồ công án".
Bao Công : Tức Bao Chưởng. Xem Bao chưởng.
Bao Tự cười :
- Do tích vua U Vương nhà Chu say mê nàng Bao Tự
nhưng chưa bao giờ thấy nàng cuời. U Vương ra
lệnh ai làm cho nàng cười sẽ thưởng nghìn lạng
vàng.
Xem U, Lệ.
Lý Bạch : Mỹ nhân nhất tiếu hoán thiên
kim.
(Người đẹp nở một nụ cười đáng đổi lấy
nghìn lạng vàng)
Cung Oán :
Hương trời sá động trần ai.
Dẫu vàng nghìn lạng dễ cười một khi.
Bào Hy : Tên gọi của Phục Hy, vua thời thượng cổ.
Bát canh Đản thổ :
- Sử ký : Hạng Vũ đại phá quân Hán trên
sông Tuy Thủy. Quân Hán bị giết nhiều, dòng sông
bị nghẽn lại không chảy được. Hạng Vũ bèn bắt
cha và vợ Hán Vương ở đất Bái đem theo trong
quân để làm con tin. Về sau, khi đã bình định
xong miền đông, Hạng Vương đem binh sang hướng
Tây gặp quân Hán ở Quảng Vũ, hai bên giữ nhau
mấy tháng. Lúc bấy giờ, Bành Việt Thường làm
phản ở đất Lương, cắt đứt lương thực của
Sở. Hạng Vương lo lắng dựng một cái thớt cao,
đặt Thái Công lên trên và sai người nói với
Hán Vương : "Nếu không đầu hàng ngay thì
ta nấu chết Thái Công." Hán Vương nói : "Ta
và Hạng Võ đều ngoãnh mặt về hướng Bắc, chịu
mệnh lệnh của Hoài Vương và đã giao ước là
anh em. Cha ta tức là cha ngươi, ngươi muốn nấu
canh cha ngươi thì chia cho ta một bát canh
với."
Bát công (Núi) :
- Là núi, gần chổ quân Đông Tấn đã đánh ta
quân của Bồ Kiên, vua nước Tiền Tần, đại bại
trong trận Phì Thủy. Quân của Bồ Kiên khi thua
chạy qua đây nghe thấy tiếng gió gào hạc hót
cũng sợ, tưởng là tiếng reo của quân Đông Tấn
đuổi theo.
Bảy Hùng : Thất hùng.
- Chỉ 7 nước tranh giành nhau quyền lợi thời Xuân
Thu là : Tề, Tần, Sở, Triệu, Hàn, Yên, Ngụy.
Bắc Lý : Chỉ Bình Khang, nơi ở của các
Kỹ nữ.
Bắn Nhạn ven mây :
- ý nói trổ tài thi đỗ cao dù bài thi có khó.
Chữ "Nhạn" có thể lấy ý từ chữ "Nhạn Tháp"
hay "Nhạn tháp đề danh" là nói sự
thi đỗ đại khoa.
Đời Đường từ sau những năm Thần Tông (705 -
707), những người mới đỗ Tiến sĩ bắt chước
Trương Cử đến tháp Nhạn ở chùa Từ ân (Nay
thuộc Trường An, Thiểm Tây) đề tên mình lên
tháp.
Vân Tiên :
Chí lăm bắn nhạn ven mây.
Danh tôi đặng rạng tiếng thầy bay xa.
Bắn sẽ : Chỉ việc cầu hôn.
- Đường Thư : Đậu Nghi đời Đường có cô
con gái yêu muốn kén rễ bèn sai người vẽ hình
một con chim tước trên bức bình phong, giao ước
ai bắn trúng mắt chim sẽ gả con gái cho. Bấy giờ
Lý Uyên (Về sau lên ngôi hoàng đế là Đường
Cao Tổ) bắn trúng nên được lấy con gái Đậu
Nghi.
Băng nhân : Người đứng trên băng,
chỉ người làm mối.
- Thông Chí : Sách Đảm người đời tấn,
giỏi thuật số, chuyên nghề đoán mộng. Bấy giờ
có Lệnh Hồ Sách mộng thấy mình đứng trên băng
nói chuyện với người đứng dưới băng, bèn đem
chuyện đến hỏi. ông nói : "Trên băng là
dương, dưới băng là âm, đó là việc âm
dương. Kẻ sĩ muốn đưa vợ về mà băng chưa tan
: Đó là việc hôn nhân. Bác ở trên băng nói
chuyện với người dưới băng tức là dương nói
với âm, đó là chuyện môi giới. Bác nên vì
người mà làm ông mối đi, băng tan thì việc
thành." Về sau, quả có quan Thái thú
Điển Báo nhờ Lệnh Hồ Sách làm mối hỏi con gái
Trương Công Trưng cho con trai mình và đến tháng
hai thì thành hôn.
Kiều :
Sự lòng ngõ với băng nhân.
Tin sương đồn đại xa gần xôn xao.
Bằng Cử :
- Nguyễn Bằng Cử, người Đông Ngạn, Bắc Ninh, làm
quan nhà Trần đến chức Đông Lộ Yên Phủ sứ.
Xem Đáy.
Bất Vi gả vợ :
- Sử ký : Lã Bất Vi là một nhà buôn lớn ở
Dương Lịch, trong nhà có hàng nghìn cân vàng.
Khi Tử Sở (Con thứ Thái tử An Quốc Quân, chính
tên là Tử Dị, tức Dị Nhân, sau làm con thừa tự
của Hoa Dương phu nhân vốn là người nước Sở
nên đổi tên là Tử Sở.) làm con tin ở Triệu, bị
Triệu bạc đãi. Lã Bất Vi ở Hàm Đan trông thấy
thương hại nói : "Món hàng này lạ, có
thể buôn được đây", bèn bỏ tiền của
ra, bày mưu tính kế cho Tử Sở được Hoa Dương
phu nhân nhận làm con thừa tự để sau này được
nhận làm Thái tử. Họ Lã bày mưu kén trong số
vi75 mình ở Hàm Đan một người tuyệt đẹp mà
múa khéo, lại biết người này đã có mang đem
dâng cho Tử Sở làm vợ. Người vợ giấu chuyện
mình đã có mang, đến đủ tháng sinh con là
Chínbh. Tử Sở bèn lập nàng làm phu nhân. Năm
thứ 50 đời vua Chiêu Vương nước Tần, Tà6n sai
Vương ý vây Hàm Đan rất gấp. Nước Triệu muốn
giết Tử Sở, Bất Vi bèn mưu đưa 600 cân vàng cho
kẻ coi giữ, đưa Tử Sở trốn thoát về Tần. Sáu
năm sau, Tần Chiêu Vương mất, Thái tử An Quốc
quân lên làm vua, lập Hoa Dương phu nhân làm
Hoàng hậu, Tử Sở làm Thái tử. Vua Triệu cho đưa
vợ của Tử Sở cùng con là Chính về Tần. Vua Tần
lên ngôi được một năm thì mất, thái tử Tử Sở
lên ngôi tức Trang Tương Vương, tôn Bất Vi làm
Thừa Tướng. Trang Tương Vương làm vua đượxc 3
năm thì mất. Thái tử Chính lên ngôi Tần Vương,
sau thôn tính ac1c chư hầu, thống nhất thiên hạ,
tự đặt hiệu Thủy Hoàng đế nhà Tần, tôn Bất Vi
là tướng quốc. Bất Vi tư thông vợi Thái hậu
(Mạ Tần Thủy Hoàng, tức người thiếp cũ của y),
việc bại lộ, bị cách chức Tướng quốc, sợ bị
tội nên tự sát. (Lã Bất Vi truyện).
Bầu Nhan Uyên : Bầu nước của Nhan
Uyên, nói cảnh nghèo mà vẫn vui việc học.
- Sử ký : Nhan Uyên tức Nhan Hồi, tự Tử
Uyên, người nước Lỗ thời Xuân thu, học trò
giỏi của Khổng Tử, rất ham học, được xếp vào
bậc đại hiền. ông sống trong cảnh nghèo mà vẫn
vui đường học đạo, ông được Khổng Tử khen : "Hiền
tai ! Hồi giã ! nhất đan tự, nhất biều ẩm, tại
lậu hạng, nhân bất kham kỳ ưu, hồi giã bất cải
kỳ lạc. Hiền tai hồi giã" (Hiền thay là
anh Nhan Hồi ! một giỏ cơm, một bầu nước, ở nơi
ngõ hẹp. Người ta không kham nỗi cảnh nghèo hèn
mà lo buồn còn Nhan Hồi thì không thay đổi điều
vui của mình. Hiền thay là anh Nhan Hồi). ông chết
sớm lúc chỉ mới 32 tuổi. (Trọng ni đệ tử liệt
truyện).
Sau đến đời Tấn, Tô Thiểu chết đi rồi lại hồi
tỉnh, người em là Tiết hỏi chuyện dưói đất
thì Thiểu nói : "Hai ông Nhan Hồi và Bố
thượng được làm chức Tu Văn Lang ở dưới đất."
(Văn Uyển).
Quốc âm thi tập :
Nhan Uyên nước chứa bầu còn nguyệt.
Đỗ Phủ thi nên có bút thần. Bạch Vân
Quốc âm thi tập :
Kìa ai đủng đỉnh trong làng Hạnh.
Cơm một giỏ, nước một bầu. Lục Vân Tiên
:
Quản bao thân trẻ dãi dầu.
Mang đai Tử Lộ,
quảy bầu Nhan Uyên.
Bẻ liễu : Từ chữ "Chiết
Liễu", chỉ cảnh tiễn biệt.
- Ngày xưa, khi tiễn biệt nhau người ta thường bẻ
cành liễu tặng nhau để tỏ lòng lưu luyến.
Sách Tam Phụ Hoàn đồ : Nơi Bá Kiều (cầu gần
kinh đô Tràng An), người đưa nhau đến đó bẻ
liễu tặng nhau để làm roi ngựa.
Hoa Tiên :
Rằng "Từ bẻ liễu lên đường".
Gửi mà sao hãy trể tràng đến nay.
Bẻ quế : Từ chữ "Chiết
quế", chỉ việc thi đỗ, công thành danh toại.
- Xem Cung
quế xuyên dương.
Phạm Tải Ngọc Hoa :
Những mong bẻ quế nên danh.
Mà đền công dưỡng sinh thành hai thân. Sơ
kính tân trang :
Lăm le giật giải thanh vân.
Trèo trăng bẻ quế gọi xuân mở đường.
Bể dâu :
- Từ chữ "Thương hải tang điền",
bể xanh biến thành ruộng dâu, chỉ việc đời biến
đổi.
Thần tiên truyện : Vào thời Đông Hán,
Tiên nhân Vương Phương Bình giáng cho mời tiên
nữ Ma Cô đến. Ma Cô bảo Phương Bình rằng : "Tiếp
thị dĩ lai, dĩ biến đông hải tam vi tang
điền." (Từ khi được tiếp hầu ông tới
nay, bể đông đã ba lần biến thành ruộng dâu).
Kiều :
Trãi qua một cuộc bể dâu.
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Bệ Phong : Xem Phong thu.
Bến mê :
- Chữ của nhà Phật. Theo quan niệm con người đau
khổ vì còn sống trong mê muội chưa giác ngộ nên
gọi là "Bến mê". Hình dung cuộc
đời con người hết sức thê thảm.
:
Nghĩ thân phù thế mà đau.
Bọt trong bể khổ vào đầu bến mê.
Bến Tương : Nơi hai vợ vua Thuấn trầm
mình chết theo chồng.
Bệnh Tề Uyên : Bệnh hiếu sắc.
- Mạnh Tử : Thời Chiến quốc, tề Uyên Vương
trong một lần nói chuyện với Mạnh Tử có nói
rằng ông mắc phải 3 chứng bệnh là : "Hiếu
dũng" (thích sức mạnh), "Hiếu hoá
(thích của cải) và "Hiếu sắc"
(thích gái đẹp).
Cung oán ngâm khúc :
Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn.
Bệnh Tề Uyên đã nổi lên đùng đùng.
Bệnh Thầy Trương :
- Trương Lương
theo Bái Công, được Bái Công cho làm tướng.
Lương đem binh pháp của Thái công ra trình bày
với Bái Công, Bái Công khen, thường dùng sách
lược ấy. Trương Lương hay ốm, chưa từng làm
tướng một mình, thường làm kẻ bày mưu kế và
luôn đi theo Hán Cao Tổ. Khi Hán Cao tổ bình
định được thiên hạ, phong tướng cho các công
thần, Cao Tổ nói : "Bàn mưu kế ở trong
màn trướng, quyết định sự thắng lợi ngoài ngàn
dặm, đó là công lao của Tử Phòng". Bèn
phong cho Trương Lương làm Lưu hầu. Lưu Hầu hay
ốm, thường học phép đạo dẫn (phép tu luyện của
người theo đạo Lão, tập thở, luyện gân cốt để
sống lâu.), không ăn cơm, đóng cửa không ra
ngoài. Bấy giờ Lưu Hầu nói : "Gia đình
tôi đời đời làm tướng quốc nước Hàn. Đến
khi Hàn mất, tôi chẳng tiếc số vàng vạn lạng mà
đối phó với nước Tần mạnh để báo thù cho Hàn
làm rung động cả thiên hạ. Nay tôi lấy ba tấc
lưỡi mà làm thầy bậc đế vương, được phong
vạn hộ, ở ngôi chư hầu, kéo áo vải được thế
là tột bậc. Đối với Lương thế là đủ rồi.
Vậy xin bỏ việc nhân gian, chỉ muốn giao du vơi
Xích Tùng Tử mà thôi."
Bỉ sắc tư phong : Cái kia kém, cái này
hơn, được cái này thì hỏng cái kia.
- Kiều :
Lạ gì bỉ sắc tư phong.
Trời cao quen thói má hồng đánh ghen.
Bĩ cực thái lai :
- ý nói vận tới chổ cùng cực thì vận thông đến,
Khổ hết lại sướng, rũi hết lại đến may.
Bĩ và Thái vốn là hai quẻ trong Kinh
dịch, Bĩ tượng trưng cho cùng khốn, Thái tượng
trưng cho sự hanh thông. Thơ Vi Trang (Tiền Thục) :
"Bĩ khứ Thái lai chung khả đãi"
(Vận bĩ đi vận thái đấn, rốt cuộc cứ đợi.
Đại Nam quốc sử diễn ca :
Mới hay con tạo xoay vần.
Có khi bĩ cực đến tuần Thái lai.
Bia Tấn Phúc :
- Phạm Trọng Yêm đời Tống khi làm Trấn phủ Nhiêu
Châu có người học trò vào yết kiến, nói tình
cảnh đói rét nghèo khổ. Bấy giờ người ta đang
mộ lối chữ đẹp của âu Dương Xuất Canh viết
khắc ở tấm bia chùa Tấn Phúc. ông Phạm bèn đem
giấy mực định cấp cho gnười học trò ấy đến
chùa rập lấy nghìn bản rồi đến kinh mà bán lấy
tiền. Người học trò chưa kịp đến rập bản bổng
một hôm mưa gió, tấm bia bị sét đánh vỡ mất.
Thời lai phong tống Đằng Vương
Các.
Vận phú lôi oanh Tấn Phúc bi.
Biển Thước :
- Danh y thời Hoàng đế, thượng cổ Trung Hoa, hiệu
của TrầnViệt Nhân, người đất Mạc thời Chiến
Quốc, học thuốc với Trương Tang Quân, nổi tiếng
thần y.
Biết thời làm biết :
- Luận ngữ : Tử viết : "Do hối nhữ tri
chi hồ ? tri chi vi tri chi, bất tri chi vi bất tri
chi, thị chi giã" (Tử Do dạy cho người
cách hiểu biết chăng ? Biết cái gì thời nhận là
biết, chẳng biết cái gì thì nhận là chẳng biết,
như thế là biết vậy.)
Bình Đường : Thạch Bình Đường,
người lập nên nhà Tấn thời Ngũ đại.
Bình Khang : Chỉ chung chổ kỹ nữ ở.
- Bình Khang là tên một phường ở kinh thành
Trường An đời Đường, đây là nơi ở của các
kỹ nữ.
Khai Thiên di sự : Thành Trường An có
phường Bình Khang là nơi ở của các kỹ nữ. Hàng
năm các tân khoa tấn sĩ đến đó chơi. Phường
Bình Khang ở gần cửa Bắc nên cũng gọi là Bắc
lý.
Kiều :
Bình Khang nấn ná bấy lâu.
Yêu hoa yêu được một màu điểm trang.
Bình Lôi :
- Chữ trong Kinh thi nói con cái nhất nhất đều bẩm
thụ ở cha mẹ, cũng giống như ve rượu con (bình)
đều được rượu từ bình lớn (lôi) rót ra.
Bình Nguyên Quân :
- Tên Triệu Thắng, con Linh Vương nước Triệu thời
Chiến Quốc, hiệu Bình Nguyên Quân, là người
hiền thích tân khách, tính hào hiệp, trong nhà
có đến nghìn khách ăn. ông làm Tể tướng cho
Huệ Văn Vương và Hiếu Thành Vương, 3 lần thôi
không làm Tể Tướng, 3 lần trở lại địa vị,
được phong đất ở Đông Vũ Thành.
Thơ Cao Thích :
Vi tri can đảm hướng thùy thị.
Tinh nhân khước ức Bình Nguyên Quân. (Chẳng
biết gan mật hướng vào ai cho phải.
Khiến người lại nhớ Bình Nguyên Quân). Kiều
:
Từ rằng : "lời nói hữu tình".
Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân.
Bình phong xạ tước : Chỉ việc kén vợ.
- Xem Bắn sẽ.
Sơ kính tân trang :
Nguyện lòng này với lửa hương.
Rạng bình xạ tước nổi giường thừa long.
Bình Than :
- Tên một bến sông nay thuộc xã Trần Xá huyện Chí
Linh tỉnh Hải Hưng. Thời Trần Nhân Tông, vua tôi
họp ở đó để bàn kế chống giặc Nguyên.
Bình Thành : Do chữ "Địa bình
thiên thành".
- Đây là chữ trong sách Kinh Thư : Làm cho thủy
thổ được điều hòa gọi là "Địa
bình", , khiến cho ngũ hành (Thủy, hỏa,
kim, mộc, thổ) theo thứ tự mà ổn định gọi là "Thiên
thành". Đó là nói công đức trị lũ lụt
của vua Vũ.
Đây nói công đức to lớn của vua lo sửa sang
việc nước, ra ơn cho dân.
Kiều :
Bình Thành công đức bấy lâu.
Ai ai cũng đội trên đầu biết bao.
Bình thủy tương phùng : Bèo nước gặp
nhau, chỉ việc tình cờ, không hẹn mà gặp.
- Bài Đằng Vương Các tự của Vương Bột :
Quan sơn nan việt.
Thùy chi thất lộ chi nhân.
Bình thủy tương phùng.
Tận thị tha hương chi khách. (Quan sơn khó
vượt, ai thương xót.
Người bất đắc chí, bèo nước gặp nhau.
Toàn là khách, mỗingười một xứ. Hoa Tiên
:
May đâu bèo nước gặp nhau.
Thôi thì hợp phố cho châu lại về. Kiều
:
Lâm Truy chút nghĩa đèo bồng.
Nước bèo để chữ tương phùng kiếp sau.
Bóng chim tăm cá :
- Khó tìm như bóng chim giữa trời thẳm hay tăm cá
ở vực sâu. Lấy ý từ chữ Tin nhạn, Tin cá, chỉ tin
tức, thư từ nói chung.
Kiều :
Bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm.
Bóng hạc châu hoàng : Chỉ sự xa xôi.
- Đời Tống, Tô Đông Pha khi bị trích xuống Hoàng
Châu (làm quan có lỗi phải dời đến chổ xa xôi
hay rừng thiêng nước độc gọi là bị trích), mùa
thu cùng bạn đi chơi thuyền trên sông Xích Bích,
thấy một con hạc bay qua trên thuyền.
Bóng thừa :
- Bởi chữ "Dư quang" là bóng sáng
thừa, ví người trên như ngọn đèn có bóng
sáng, nay nhờ bóng sáng thừa ấy, tức nhờ ân huệ
chiếu cố đến người dưới.
Bóng xé nhành dâu :
- Bóng mặt trời gác lại trên ngọn tang du (dâu),
tức cảnh trời chiều, chỉ tuổi già.
Đỗ Phủ (Đường) :
ế ế tang du nhật.
Chiếu ngã chinh y thường. (Mặt trời chiều mờ
mờ.
Chiếu vạt chinh y của ta). Phan Trần :
Mẹ già bóng xế nhành dâu.
Phòng khi sốt ruột váng đầu cậy ai. Vân
Tiên :
Tuổi già bóng xế nhành dâu.
Sớm xem tối xét ai hầu cho cha ?
Bố Chính :
- Tên một cửa bể giữa hai huyện Bố Trạch và Bình
Chính tỉnh Quảng Bình, còn có tên là cửa Linh
Giang.
Bố kinh : Từ chữ "Bổ quần kinh
thoa"
- Quần vải thoa gai là những thứ mà người phụ nữ
nghèo xưa hay dùng.
Hậu Hán thư : Lương Hồng nhà nghèo, học
rộng, có khí tiết. Nhiều người có danh vọng
trong vùng trọng đức của Hồng muốn gã con gái
cho nhưng Hồng một mực từ chối. Cùng huyện có
người con gái họ Mạnh vóc người béo mập, đã
xấu lại đen, sức có thể nhấc nổi cối đá, quần
vải thoa gai, năm 30 tuổi mà vẫn chưa chịu lấy
ai, còn đợi người hiền như Hồng mới lấy. Hồng
nghe biết chuyện liền đưa lễ xin hỏi làm vợ.
Nàng làm nghề giã gạo thuê, về nhà lo việc cơm
nước, mỗi lần đưa cơm cho chồng, nàng đều
nâng bát lên ngang mày, không dám nhìn thẳng vào
mặt chồng.
Bố kinh : Chỉ người vợ hiền.
Kiều :
Đã cho vào bậc bố kinh.
Đạo tòng phu lấy chữa trinh làm đầu.
Bốc Thương : Tức Tử Hạ, học trò Khổng Tử.
Bốn lão Thương Sơn :
- Thương Sơn là dãy núi ở tỉnh Thiểm Tây, nơi ở
ẩn của 4 ông già đời Hán gọi là "Thương
Sơn Tứ hạo", gồm có : Đông viên công,
Giác Lý tiên sinh,ỷ Lý tiên sinh, Hạ Hoàng Công.
Sử ký : Hán Cao Tổ muốn bỏ Thái tử, lập
con của Thích phu nhân là Thiệu Vương Như ý làm
thái tử. Lã Hậu dùng kế của Trương Lương, đem
hậu lễ cố mời 4 ông là 4 người già mà Cao Tổ
rất tôn trọng nhưng không sao mời nổi. Bốn
người đã già, họ cho rằng nhà vua khinh người
nên bỏ trốn vào ở ẩn trong núi không làm tôi
nhà Hán. Lã Hậu mời họ đến được, cho họ làm
khách, thường cho vào triều để Cao Tổ trông
thấy. Đến khi ăn tiệc, rót rượu, Thái tử đứng
chầu, 4 người theo Thái tử, tuổi đều ngoài 80,
mày râu bạc phơ, áo mũ rất đẹp. Vua lấy làm
lạ bèn hỏi. Mấy người tiến đến thưa, kể họ
tên rồi mới nói : "Bệ hạ khinh kẻ sĩ, hay
mắng người, bọn thần nghĩa không chịu nhục, cho
nên sợ mà trốn tránh. Nay, trộm nghe Thái tử là
người nhân đức, hiếu thảo, cung kính, yêu
thương kẻ sĩ trong thiên hạ, không ai không muốn
vươn cổ vì thái tử mà chết. Vì vậy chúng tôi
đến đây." Hán Cao Tổ bèn bỏ ý định
phế Thái tử.
Bồng Châu : Tức Bồng Lai.
Bồng Lai : Chổ của tiên ở, chỉ cảnh
tiên.
- Hán thư : Từ thời Tề Uy Vương đã cho
người ra bể tìm các hòn núi Bồng Lai, Phương
Trượng, Doanh Châu. Tương truyền 3 hòn núi thần
đó ở bể Bột Hải, cách bờ không xa lắm nên
thường có người tìm đến nơi. Các tiên nhân
luyện thuốc trường sinh cũng ở núi này. ở đây
súc vật, chim muông lông đều màu trắng. Cung
khuyết toàn bằng vàng bạc, ở xa trông như mây.
(Giao tự chí).
Lời chú sách "Sơn Hải kinh" cũng
nói : Núi Bồng Lai ở giữa bể, trên núi có tiên,
cung thất toàn bằng vàng ngọc, chim muông đều
trắng cả, ở xa trông như mây. Bồng Lai nằm trong
bể Bột Hải.
Theo "Thập dị ký" : Bồng Lai còn
có tên là Bồng Hồ.
Thơ Lỗ Phạm : Thừa không hướng tử phủ, Khống
hạc hạ Bồng Lai" (Cưỡi xe lên không
hướng đến cửa tía, bắt con Hạc hạ cánh xuống
Bồng Lai).
Phan Trần :
Kể từ đến cảnh Bồng Lai.
May thay đã trộm thấy người tiên cung.
Bồng Nga :
- Chế Bồng Nga, vua Chiêm Thành, đời nhà Trần
thường vào quấy nhiễu nước ta.
Bồng Sơn : Tức Bồng Lai.
Bột Phi : Thần nữ ở Lạc Phố, con gái
vua Phục Hy Trung Hoa thời Thượng cổ.
Bùi Hàng : Xem Lam Kiều.
Bút Lâm Xuyên : Nói người viết chữ
tốt.
- Vương Hy Chi đời Tấn là người viết chữ rất
tốt, thường làm chức Nội sử ở Lâm Xuyên nên
người ta thường nói những người viết chữ tốt
là Ngòi bút Lâm Xuyên.