Âm vang bài thơ Xuân cuối cùng của Bác

Mừng Xuân 1969
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào
Tiến lên!
Chiến sĩ, đồng bào!
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn.
(Hồ Chí Minh- thơ, NXB Văn học, 1975)

            Sau khi Bác qua đời, nhà thơ Vũ Cao có một Niềm riêng thật chân thành và xúc động:

Cho con ước tự bây giờ
- Mỗi năm vào buổi giao thừa, mỗi năm
Bác về cùng với nhân dân
Ðọc thơ Tết lấy một lần, hãy đi!
(13/9/1969)

            Ðó cũng là nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta khi Tết đến Xuân về được nghe giọng thơ ân tình sâu lắng của Người Cha- Lãnh tụ kính yêu. Ba mươi năm Bác đi xa, ba mươi năm vắng tiếng Bác đọc thơ Xuân trên đài. Nhưng cứ mỗi lần giao thừa đến, đâu đây lại âm vang những vần thơ chúc Tết của Người như lời Tổ quốc non sông vọng về sâu thẳm, bởi tất cả chúng ta "vẫn đón nghe thơ Bác" mọi lần như Tố Hữu nói trong trường ca "Theo chân Bác". 19 bài thơ Xuân của Bác từ 1942 đến 1969 đã làm nên giai điệu Mùa Xuân của Ðất nước trong thời đại mới mà âm vang của nó như còn đọng lại trầm hùng tha thiết trong bài thơ Xuân cuối cùng và ngân nga mãi trong lòng chúng ta: Mừng Xuân 1969.

            Bài thơ dân gian như con người Bác: Ðiệu lục bát, khúc dân ca- Việt Nam là Bác, Bác là Việt Nam (Lê Anh Xuân). Dân gian từ giọng thơ lục bát, cho đến cách kể, cách nói giản dị, ai nghe cũng hiểu được ngay và thấm mãi vào lòng:

Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

            Cả khi tổng kết đường lối kháng chiến chính nghĩa của dân tộc với biết bao nội dung phong phú, khái niệm trừu tượng, Người cũng dùng lối nói dân gian như cách nói của người dân quê:

Vì độc lập, vì tự do
Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào

            Câu dưới là nhiệm vụ kháng chiến nhằm vào hai đối tượng: Mỹ và nguỵ. Bác dùng khẩu ngữ dân gian để diễn đạt hai mức độ "đánh" khác nhau: Mỹ thì phải cút (quét sạch, không còn nữa); nguỵ thì phải nhào (đổ xuống). Chính trị mà dễ hiểu, hiền triết mà dân gian, ngôn ngữ đời thường thành ngôn ngữ văn học- đó là vẻ đẹp riêng của thơ Xuân Bác Hồ.

            Chất dân gian thấm sâu vào lời kêu gọi và lời chúc mừng năm mới của lãnh tụ:

Tiến lên!
Chiến sĩ, đồng bào!
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn.

            Lời giục giã "Tiến lên!" mạnh mẽ như một khẩu lệnh xuất quân đầu năm nhưng vẫn thân thương trong hai tiếng "đồng bào" mà Người đã thốt ra từ trái tim yêu thương khi đọc lời Tuyên ngôn mở nước năm nào. Còn lời chúc năm mới thì mở ra hình ảnh một mùa Xuân thống nhất cụ thể, gần gũi đến nức lòng người: "Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn".

            Cuộc sum họp lớn của cả nước sau bao nhiêu năm tháng cách chia ấy đã đem đến một niềm vui lớn: "Xuân nào vui hơn"- Câu thơ cứ ngân nga mãi trong lòng ta một niềm tin bất tận và ta bỗng hiểu ra đó là âm vang sâu lắng, thiết tha của giai điệu mùa Xuân đất nước mà Bác đã truyền cho ta từ chính cuộc đời, con người và hồn thơ kỳ diệu của Bác.

(Bài viết của TS. Nguyễn Xuân Lạc- Báo Giáo dục và Thời đại 2000)

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn