THƠ CHÚC TẾT CỦA BÁC HỒ
Chúc tết mừng xuân mới- là truyền thống của nhiều dân tộc- Một truyền thống rất hay, rất đẹp xuất phát từ lòng yêu đời, lòng thương nhau, mong muốn cho nhau mọi sự tốt lành.
Theo Giáo sư Hoàng Như Mai: Trong thời phong kiến, bầy tôi chúc tết vua, dân chúc tết quan. Chế độ tư bản người làm công chúc tết chủ, người bán hàng chúc tết người mua hàng. Từ Cách mạng tháng Tháng năm 1945, Bác Hồ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ. Không phải là lời chúc tết thông thường mà lời chúc tết bằng thơ. "Trong lời chúc, chúng ta thấy cả tấm lòng của lãnh tụ đối với dân, với nước", cầu mong cho nước nhà hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, hạnh phúc và thịnh vượng.
Trong bài thơ chúc Tết đầu tiên năm 1942, Bác kêu gọi, tuyên truyền, giải thích tình hình cách mạng, dự đoán sự chuyển biến tình hình của nước ta và thế giới:
"Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi
Năm cũ qua rồi, chúc năm mới
Chúc phe xâm lược sớm diệt vong
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau
Chúc Việt Nam ta càng tiến tới
Chúc toàn quốc ta trong năm nay
Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới
Năm nay là năm tết vẻ vang
Cách mạng thành công khắp thế giới"
Bài thơ xuân cuối cùng của Người, không chỉ là bài "Mừng xuân 1968" mà còn một bài thơ gởi bằng điện tín từ Tổ quốc đánh sang Paris cho phái đoàn của Chính phủ ta đang trên bàn hội nghị Paris:
"Xuân gà túc tác đến nơi
Gởi người thân thiết mấy lời thơ xuân
Gà xuân túc tác rạng đông
Ðưa tin thắng lợi cờ hồng bay cao"
Từ 1946 đến 1969, với cương vị Chủ tịch nước, Bác Hồ liên tục có lời thơ chúc Tết, cứ mỗi độ xuân về. Thơ xuân Bính Tuất- 1946 của Người tặng báo Quốc Gia- cơ quan ngôn luận của một nhóm nhân sĩ yêu nước tại Hà Nội, cũng là món quà rất quý đầu xuân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc tết đồng bào, chiến sĩ. Âm hưởng bài thơ sảng khoái, reo vui đến mọi nhà:
"Muôn nhà chào đón dân chủ
Cả nước vui chung phúc Cộng hoà"
Và, mới là thắng lợi đầu, không được quên nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc quan tâm "những người chiến sĩ ở phương xa"
Chưa đầy 2 năm bảo vệ và xây dựng nhà nước Cách mạng, bài thơ xuân Ðinh Hợi- 1947 của Người xôn xao, rung động lòng người với màu cờ đỏ tươi, tiếng kèn thắng trận vang núi sông, vững tin vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ vô cùng gian lao và anh dũng của đồng bào, chiến sĩ khắp mọi miền đất nước.
Sau 8, 9 năm ròng rã bền gan kháng chiến, với Ðiện Biên Phủ "chấn động địa cầu", thơ xuân Giáp Ngọ- 1954 của Hồ Chủ tịch báo trước khẳng định thắng lợi vẻ vang của công cuộc kháng chiến trường kỳ chống xâm lược, củng cố ý chí quyết tâm "Ðẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập, tự do, quân và dân quyết chí kết đoàn để "kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công"
Năm 1960, Ðảng ta tròn 30 tuổi, kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Thơ mừng xuân mới của Hồ Chủ tịch đúc kết cô đọng thành tựu vẻ vang của Ðảng, Nhà nước và đồng bào, chiến sĩ không sợ hy sinh, phấn đấu cho lý tưởng cao cả "Thống nhất nước nhà Bắc Nam vui vẻ".
Từ 1961 trở đi, Cách mạng Việt Nam trải qua những chặng đường đầy gian nan thử thách, nhưng trong thế đi lên, miền Bắc thể hiện tính ưu việt của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Cả nước một lòng chiến công dồn dập chiến công. Năm 1967, đế quốc và bè lũ tay sai đẩy mạnh cuộc chiến tranh, đưa chiến tranh ra miền Bắc, nhưng chiến sĩ đồng bào không hề nao núng, càng bốc cao ngọn lửa căm thù giặc Mỹ. Thơ xuân của Hồ Chủ tịch thấm đượm khí thế hào hùng của toàn dân tộc và niềm lạc quan tin tưởng:
"Xuân về xin có một bài ca
Gửi chúc đồng bào cả nước ta
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
Tin mừng thắng trận nở như hoa"
Cách mạng nước ta dù có khó khăn chồng chất, dù có trải qua gian lao thử thách, hy sinh, thắng lợi hoàn toàn là tất yếu. Nhưng không thể đốt cháy giai đoạn, không thể nóng vội. Thơ xuân 1969 của lãnh tụ tối cao dân tộc đã chỉ ra các mục tiêu:
"Vì độc lập, vì tự do
Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào
Tiến lên chiến sĩ, đồng bào
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn"
24 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tục làm thơ xuân. Ðó cũng là một truyền thống lâu đời, một hình thức quen thuộc của nhân dân ta. "Non một phần tư thế kỷ, một thế kỷ già trẻ, gái trai chúng ta được nuôi dưỡng bằng thơ Bác, bằng ánh sáng và yêu thương" (Hoài Thanh). "Phải chăng đây là quà tặng của Bác cho nhân dân mỗi khi xuân về, xuân sau hơn xuân trước và cứ như vậy mãi mãi về sau" (Lữ Huy Nguyên)
Tết đến, xuân về nhớ Bác biết bao nhiêu!
(Bài viết của TS Nguyễn Xuân Lạn- đặc san Giáo dục và Thời đại 2000)
Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn