MÙA Xuân đọc "Ðám cưới mùa Xuân" của Ðoàn văn Cừ "

            Ngồi trên chiếc taxi sang trọng của đám cưới thời nay mà nhớ lại bài thơ của Ðoàn văn Cừ, bỗng có hứng thú của người ngồi trong đám cưới hiện đại mà ngoái nhìn đám cưới cổ truyền. Bài thơ đã lùi vào thời gian 60 năm (1940- 2000), chính khoảng cách ấy càng làm nó phát lộ sâu sắc hơn cảm hứng cội nguồn ở người đọc. Ta không chỉ nhớ về một đám cưới xưa mà còn vọng nhớ một nền văn hoá xưa, nền văn hoá của cha ông, tiên tổ, nền văn hoá Việt sâu rễ bền gốc trong tâm thức Việt, nhớ về một cái Ðẹp trong bụi thời gian. Thơ Ðoàn văn Cừ là bảo tàng của cái ngày xưa ấy. Thi sĩ như một nghệ nhân điêu khắc tài ba chạm trỗ cái ngày xưa vào thớ gỗ, thổi hồn vào đấy, làm nó nổi hình khối, cựa quậy rất kỳ thú. Thơ Ðoàn văn Cừ là thơ tạo hình, thơ thị giác.

            Thơ thị giác cũng là thơ tạo sắc. Ðám cưới mùa Xuân được nhìn như một bữa tiệc ngũ sắc. Ðủ mọi gam màu, đối chọi mà hài hoà, màu nóng và màu lạnh, màu cơ bản và màu biến thể: xanh, đỏ, trắng, vàng, nâu, đen, lại còn nâu hồng, nâu sẫm, đỏ sẫm, hồng, thắm, gấm, nhung, lam, biếc.... Bài thơ có bốn mươi câu thì có khoảng ba mươi màu sắc được gọi tên, chưa kể những màu chưa gọi tên như bóng nước long lanh, lấp lánh ánh sương ngân... Sự sặc sỡ của màu sắc khiến bức tranh của Ðoàn văn Cừ rất gần với vẻ hồn nhiên của hội hoạ dân gian. Có những câu thơ chỉ óng lên một sắc:

Ðàn cò trắng giăng hàng bay phấp phới

    Có nhiều câu thơ óng ánh tới hai màu:

Nắng dát vàng trên bãi cỏ non xanh...
Ðầu cạo nhẵn, áo vàng,quần nâu sẫm...
Hai má thắm, ngây thơ nhìn trời biếc...
Nếp chùa trắng in hình trên trời biếc...

            Trong bảng màu thơ mới, cuộc phiêu lưu do thám đầy cảm hứng vào những chân trời sáng tạo đẩy các thi sĩ tới ham muốn "vượt rào", phá vỡ những khung thước bình thường để đi tìm những màu sắc lạ. Sắc trắng trong tay Bích Khê hoá thành trắng thủy tinh (Chết giả nhưng cười trắng thuỷ tinh- Tân Hôn), trắng như tinh (Với đôi dòng suối sữa trắng như tinh- Sắc đẹp). Hàn Mặc Tử đẩy sắc trắng lên cao độ chói gắt (Dọc bờ sông trắng nắng chang chang- Mùa Xuân chín), sắc trắng làm người ta mất bình yên (Da thịt, trời ơi! trắng rộn mình- Nụ cười), sắc trắng làm nhoà cả thị giác (áo em trắng quá nhìn không ra- Ðây thôn Vỹ Dạ)... Bảng màu của Ðoàn văn Cừ không chuộng lạ mà chuộng quen. Bảng thực đơn màu sắc, ít tính phiêu lưu của ông gần với khẩu vị thôn dân hơn là thị dân. Cũng có cái hay của nó. Bảng màu sặc sỡ của Ðoàn văn Cừ không lạ mắt mà vui mắt, không bất trắc mà yên bình. Ðám cưới mà vui mắt, mà yên bình thì tạo cảm giác hạnh phúc. Cảm giác này là hằng số của khát vọng con người. Hình thức đám cưới có thể đổi thay, nhưng khát vọng hạnh phúc là muôn thuở. Ðây là điểm đồng điệu của hôm nay và hôm qua, lý giải vì sao từ đám cưới hiện đại, người ta vẫn thích ngoái về đám cưới cổ truyền trong thơ của thi sĩ họ Ðoàn.

            Bài thơ còn hấp dẫn người đọc bởi vẻ đẹp phong tục. Qua ngôn từ của thi sĩ, đám cưới hiện lên như một nghi lễ- thứ nghi lễ của hạnh phúc. Nghi lễ bắt đầu từ việc chọn ngày lành tháng tốt. Cái không gian đẹp như cổ tích sau đây thể hiện sự lựa chọn đó:

Ngày ửng hồng sau màn sương gấm mỏng
Nắng dát vàng trên bãi cỏ xanh non
Dịp cầu xa lồng bóng nước long lanh
Ðàn cò trắng giăng hàng bay phấp phới

            Chỉ cần câu thơ thứ hai đủ thấy một không gian xuân đất trời ấm áp, âm dương giao hoà- thời điểm lý tưởng để tạo duyên đôi lứa. Nghi lễ thể hiện ở vật liệu: hương, mâm đồng che lụa đỏ, chăn hồng, hòm da đen... Quan trọng hơn, nghi lễ thể hiện ở con người. Kỹ thuật hiện đại được vận dụng triệt để. Quay xa (viễn cảnh) làm hiện lên lí nhí một đám đông: Lũ người đi lí nhí một hàng đen. Quay gần (cận cảnh), thấy đông đúc mà không lộn xộn. Ðủ cả nam phụ lão ấu, già trước, trẻ sau, thong thả, trang nghiêm mà vẫn vui vẻ. Từng người, hoặc nhóm người hiện lên, không ai trộn lẫn với ai. Một người già cả nhất được chọn đi đầu, được tả thật trịnh trọng:

Một cụ già râu tóc trắng như bông
Mặc áo đỏ, cầm hương đi trước đám

            Tiếp theo là các cụ khác, chống gậy, cầm ô, con trai con gái... trang phục cũng được nghi lễ hoá, khác hẳn cái lam lũ đồng quê hàng ngày: các cụ áo mền bông đỏ sẫm, các bà hoặc nón nghệ, khăn mặt đỏ hoặc váy lĩnh, dép quai cong, nàng dâu đầu tắt mặt tối hôm qua bỗng như lột xác trong vẻ Vành khuyên vàng, áo mới, nón quai thao... Ðặc tính của nghi lễ là sự vượt thoát khỏi cái thường nhật, ở đó, người ta được sống trong một thế giới khác- thế giới trang trọng hơn của lễ, thế giới vui vẻ hơn của hội. Ðám cưới trở thành lạ trong quen, quen mà lạ. Sở trường đặc tả tài hoa của Ðoàn văn Cừ chộp bắt rất tinh "cá tính" của đối tượng miêu tả. Lũ trai tơ thì hớn hở cứ làm như đám cưới của mình vậy. Các thôn nữ thì ngây thơ nhìn trời biếc một cách thật mơ mộng. Rất thú vị là hình ảnh bà lão túi đựng trầu chăm chắm giữ trong tay- đúng là bà lão phương Ðông, lão bà Việt Nam mà quả cau miếng trầu vừa là phương tiện giao tiếp, vừa là thú vui hưởng thụ cỏn con mà đam mê đeo đẳng một đời. Thơ mà cứ miêu tả tràn lan thế này, rất dễ nhàm, mệt. Khả năng quan sát tinh vi đã giúp nhà thơ chạm khắc được những ấn tượng vào mặt bằng tẻ nhạt ấy, khiến đối tượng miêu tả hiện lên như một sinh thể, một cá tính quyến rũ.

            Bài thơ có cấu trúc tự sự, khiến đám cưới hiện lên dưới dạng một sự kiện. Nhà thơ kể lại theo trình tự diễn biến, mở, thân, kết. Tiếng chim được sử dụng như một thủ pháp kết cấu đóng mở hai đầu đám cưới. Lối kể hoạt, hóm, mộng. Khi tiếng chim cất lên thì đám cưới khởi hành:

Trên cành cây bỗng một con chim gọi
Lũ người đi lí nhí một hàng đen

    Khi cuộc diễu hành của hạnh phúc đã xa khuất, tiếng chim khép lại câu chuyện:

Chỉ còn nghe văng vẳng tiếng chim xuân
Ca ánh ỏi trên cành xanh tắm nắng

            Từ 1941, đọc những câu thơ kết của Ðoàn văn Cừ, Hoài Thanh- Hoài Chân đã cảm thụ rất tinh: "Những câu ấy đều khép lại một thế giới và mở ra một thế giới: khép lại một thế giới thực, mở ra một thế giới mộng. Cảnh trước mắt vừa tan thì tình trong lòng cũng vừa nhóm. Mắt ta không thấy gì nữa nhưng lòng ta bỗng bâng khuâng..." (Thi nhân VN- NXB Văn học 1998, trang 179)

            Vâng, đúng thế! Hãy để đám cưới mùa Xuân của Ðoàn văn Cừ mở một lối đi bâng khuâng vào hồn ta, giữa tiết xuân này...

(Bài viết của TS. Nguyễn Quang Trung, báo Giáo dục- Thời đại tháng 12/2000)

 

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn