Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, trong thời điểm kết thúc văn - thơ Nôm để chuyển sang văn học quốc ngữ đã xuất hiện hai gương mặt thơ tiêu biểu là Nguyễn Khuyến và Tú Xương. Nguyễn Khuyến đến sớm hơn Tú Xương 35 tuổi và đi muộn hơn Tú Xương 2 tuổi, nhưng trong tiếp nhận của bạn đọc, hai người cứ như là cùng thời. Họ còn là người đồng hương. Cùng thời và đồng hương nhưng thế giới các cảnh quan và tâm trạng trong thơ họ rất khác nhau. Nguyễn Khuyến, đó là sự tĩnh lặng làng quê; còn Tú Xương trong huyên náo kẻ chợ. Kể cũng hơi lạ. Bình Lục của Nguyễn Khuyến chỉ cách Nam Ðịnh nơi có phố hàng Nâu của Tú Xương vài mươi cây số, thế mà thế giới thơ của ông sao hiu hắt thế:
Sóng nước theo làn hơi gợn
tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Tầng mây lở lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Vắng teo hiu hắt đến có thể nghe rõ tiếng cá động bờ ao:
Cá đâu đớp động dưới chân bèo
Còn thế giới thơ Tú Xương thì đầy ồn náo và sắc mầu:
Chí cha chí chát khua giày dép
Ðen thủi đen thui cũng lượt là
Một thằng trọc tếch ngồi khua mõ
Hai ả tròn xoe đứng múa bông
Khác nhau là thế nhưng hai nhà thơ kiệt xuất cuối cùng của nền thơ Nôm dân tộc lại để cho hậu thế hình ảnh hai bà vợ rất ấn tượng, hai bà vợ như là sự kết tinh hình ảnh những người phụ nữ trong ca dao, trong truyện Nôm, chuẩn bị bước vào văn thơ hiện đại. Nguyễn Khuyến trong đôi câu đối khóc vợ: "Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân nam chân chiêu vì tớ đỡ đần trong mọi việc - Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất va vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá toạ, gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể truyện trăm năm".
Bà vợ của bậc đại khoa, ba lần thủ khoa Tam Nguyên, bà vợ của bậc đại quan Tổng đốc ba tỉnh Sơn - Hưng - Tuyên mà tuyệt không có chút đài các ra kiểu mệnh phụ. ấy quả là hiện tượng hiếm hoi trong giới quyền quý nhưng lại là dễ hiểu đối với vị quan từ tuổi 50 đã sớm lui về với vườn Bùi. Và quả là lạ khi đối sánh phu nhân nâu sồng này với những bà huyện, bà phủ, bà án, bà tuần nơi văn chương quốc ngữ của Tự lực Văn đoàn 30 năm sau. Là vợ của một đại khoa, một tổng đốc mà bà cứ là người chân đất lam lũ như tất cả những người phụ nữ chân quê của đồng quê nội cỏ Việt Nam.
Tú Xương chưa phải làm câu đối khóc vợ như Nguyễn Khuyến, nhưng lại đã có lúc làm thơ "tế sống vợ":
Mặt nhẵn nhụi chân tay trắng
trẻo, ai dám chê rằng béo rằng lùn
Người ung dung tính hạnh khoan hoà, chỉ một nỗi hay gàn hay dở
Thế mà
Mình bỏ mình đi mình không chịu ở
Khác với bà Yên Ðổ ở vùng sâu vùng trũng, bà vợ Tú Xương ở phố hàng Nâu thành phố Nam Ðịnh nên đã có dáng vẻ một cư dân thành thị, theo lối chạy chợ:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông...
Tú Xương trào phúng tất cả, kể cả tự trào. Nhưng riêng ở bài thơ này, sao mà xót xa, tha thiết, thương cảm, một tình yêu, một tâm sự biết ơn và đọng lại rất sâu ở mom sông, ở lặn lội thân cò, ở eo sèo mặt nước...
Tất cả những gì mà nền thơ Nôm trung đại đã đạt được nơi hai người có sứ mệnh kết thúc là Yên Ðổ và Tú Xương rất ấn tượng, rất sáng giá trong đời sống văn thơ và trong sinh hoạt tinh thần của dân tộc./.
Giáo sư Phong Lê
Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn