Góp thêm
tiếng nói về một bài
Ca dao
Mình nói với ta mình hãy còn son chắc chắn được nảy sinh trong môi trường giao duyên của trai gái ở làng quê xưa. Tôi cho rằng, thực chất đây là bài ca tỏ tình.
Mình nói với ta mình hãy còn son
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò
Hai câu lục bát biến thể giữ cho chất giọng chàng trai hơi lạnh lùng, khéo léo che đậy sự lúng túng vụng về trước cô gái của lòng mình. Làm ra vẻ chủ động vậy thôi chứ thực chất thì tâm trạng đã bối rối. Bối rối nên phải lấy cớ giả định, nói vòng vo để tự trấn an, giành thế chủ động. Với giác quan thứ sáu của tuổi đang yêu, người con gái nào mà chả nhận ra đó chỉ là lời bông đùa, hài hước có duyên. Một chút kịch tính níu giữ bạn mình lắng nghe đến lời cuối. Họ đều còn son, còn trinh trắng. Làm gì đã có con. Như vậy thì cũng làm gì có cái cảnh:
Con mình những trấu
cùng tro
Ta đi gánh nước tắm cho con mình
Vẫn chỉ là những hình ảnh giả định. Sâu xa hơn, chàng trai muốn gởi bức thông điệp về sự lựa chọn bạn đời. Một sự lựa chọn thật quan trọng. Sẽ là một cuộc sống nhếch nhác, vất vả, thiếu người chăm chút hoặc một cuộc sống nồng ấm, hạnh phúc, có sự quan tâm chăm sóc yêu thương. Tất cả phụ thuộc ở nàng. Ta chỉ phác ra một viễn cảnh thế thôi!
Văn học dân gian luôn được đặt vào hoàn cảnh sinh ra nó. Giống như chim trời cá nước. Không nên coi "Cô gái hãy còn son mà đã có con, chẳng có gì lạ và trái ngược nhau, lại càng vươn tới đỉnh cao của sự hoàn mĩ. Anh chàng nhận thức được điều này, anh càng yêu say đắm nàng hơn..." (Ngọc Ngữ- Vẫn cứ mãi còn son- Thế giới trong ta số 130, trang 8). Chàng trai này si tình quá. Thiếu phụ lên ngôi và những trinh nữ sẽ phải thổn thức biết bao!
Hành động gánh nước tắm cho con nàng chỉ là cái cớ giả định để gần gũi, thân tình, tiến tới câu nói quan trọng nhất mà chàng để sau cùng mới ngỏ:
Con mình vừa đẹp
vừa xinh
Một nửa giống mình, một nửa giống ta
Con nàng xinh, cũng như nàng thật đẹp. Nó sẽ là con chúng ta. Một nửa của mình, một nửa của ta. Ước mơ về một cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc đã hiện lên thật rõ. Lời tỏ tình thật tế nhị! Sẽ là trần trụi nếu hiểu: "Chàng trai đã thoáng chút ngập ngừng, suy nghĩ khi nhìn thấy đứa trẻ không cha thật tội nghiệp..." và hành động gánh nước tắm cho con nàng được coi như "chàng trai muốn lấy lòng cô gái, coi cô gái có sự thật lỡ làng" (Lê Xuân Bột- Con mình con ta- Thế giới trong TA SỐ 130, TRANG 9). §ÚNG! Ở ĐỜI CÓ NHỮNG TẤM LÒNG ĐÀN ÔNG CAO THƯỢNG LẮM! Giới nữ chúng tôi thật trân trọng và cảm phục. Song, ở đây nếu hiểu như vậy thì sợ rằng luôn tiện sẽ phải hiểu: "Người mẹ ấy thật đoảng vị, đáng trách. Công to việc lớn đến đâu nỡ để con lê la bẩn thỉu, mình mẩy đầy "những trấu cùng tro" tội nghiệp vậy?"
Bài ca độc đáo ở chỗ chỉ có lời chàng trai, không thấy lời đối đáp của cô gái nhưng người đọc vẫn như hình dung trước chàng trai hình ảnh cô thôn nữ đang chăm chú lắng nghe với cái dáng e ấp thẹn thùng, đôi má ửng hồng, ánh mắt long lanh. Và có lẽ, trong tâm trí cô gái (cũng như chúng ta) sẽ còn mãi hình ảnh một chàng trai chân quê vui tính thông minh, có cốt cách đa tình cùng đôi thùng nước sóng sánh! Ðó là sự thi vị và mộng mơ....
(Ðỗ thị Thanh Thuỷ- báo Giáo dục và Thời đại 2001)
Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn