Mong chờ

Khi lấy anh, chị mười tám tuổi
Hai mươi năm cài then cửa chờ chồng
Hai mươi năm nước mắt đầm áo gối
Ðêm mùa nào với chị cũng mùa đông

Mỗi ngày nhớ mỏi mòn đôi mắt chị
Hai mươi năm mong một lá thư về
Hai mươi năm chờ tay anh gõ cửa
Ngọn đèn lùa lừa chị những canh khuya

Người vợ xưa chờ chồng hoá đá
Nước mắt rơi núi trắng sương mù
Chị chờ anh buồn đau hơn kiếp đá
Ôi cuộc đời đâu cần lắm Vọng Phu
(Tô Hoàn- 1989)

            Nhiều người không thật sự cảm thông được với nỗi đau xa cách giữa người vợ và người chồng dù người chồng ấy đang làm nghĩa vụ thiêng liêng là cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Có người xa cách một số năm rồi sum hợp đầm ấm, còn người vợ trẻ trong bài thơ "Mong chờ" này thì không có hạnh phúc ấy.

            Tác giả bài thơ- nhà thơ Tô Hoàn là một sĩ quan cấp tá về hưu ở Bắc Giang. Là người lính đi hết chiến trường này đến chiến trường khác, xa nhà xa vợ con đằng đẵng năm này qua năm khác, anh hiểu lắm nỗi "mong chờ", anh biết cái giá của xa cách:

Khi lấy anh, chị mười tám tuổi
Hai mươi năm cài then cửa chờ chồng

            Câu thứ nhất chỉ mới làm nhiệm vụ thông báo, đến câu thứ hai thì đầy ắp nỗi niềm, tâm trạng của hai câu hoà vào nhau tạo nên một sự cộng hưởng đau đớn. Cô gái lấy chồng năm mười tám tuổi, chưa bén hơi chồng, chồng đi chiến tranh, đằng đẵng chờ chồng hai mươi năm. Nỗi nhớ thương mới da diết làm sao:

Hai mươi năm nước mắt đầm áo gối
Ðêm mùa nào với chị cũng mùa đông

            Khổ thơ chắc, không câu nào lép, vì nó thật nên cảm động. Cũng phải nói ngay rằng thời điểm sáng tác (1989 sau công cuộc đổi mới ba năm) đã cho tác giả viết thật và đau như thế. Những năm còn chiến tranh và thời bao cấp sau chiến tranh, những câu thơ này không thể nào in được. Người vợ liệt sĩ này chưa có con với chồng nên sự cô đơn đã lên đến đỉnh điểm. Có một đứa con thì còn khuây khoả, nguôi ngoai được đôi phần

            Thời gian xa cách thật khốc liệt:

Hai mươi năm cài then cửa chờ chồng
Hai mươi năm nước mắt đầm áo gối

            Chị đã chờ chồng đằng đẳng 7300 đêm, "goá chồng" 7300 đêm! Trong chiến tranh thiếu gì các cô gái không lấy được chồng đành ở vậy làm bà cô, nhưng những người như vậy còn đỡ khổ hơn cô gái "mười tám tuổi" biết mùi chồng để rồi đằng đẵng chờ chồng 20 năm

            Khổ thơ thứ hai đầy thông cảm:

Mỗi ngày nhớ mỏi mòn đôi mắt chị
Hai mươi năm mong một lá thư về
Hai mươi năm chờ tay anh gõ cửa
Ngọn đèn đùa lừa chị những canh khuya

            Oái ăm là thế: không được gặp người còn được gặp qua thư, đằng này thư cũng không có (có thể chồng chị đã hy sinh lâu rồi nhưng vì thiếu lý do, người ta chưa báo tử!). Cái điệp khúc tê tái "hai mươi năm/ hai mươi năm" ở khổ thơ thứ hai, lại cũng được sử dụng như ở khổ thơ thứ nhất:

Hai mươi năm mong một lá thư về
Hai mươi năm chờ tay anh gõ cửa

Người vợ liệt sĩ vẫn gắng nuôi một chút hy vọng:

Ngọn đèn đùa lừa chị những canh khuya

CÓ ĐÊM CHỊ THẤY HOA ĐÈN. nông thôn người ta tin có hoa đèn là nhà sắp có tin vui (có thể có thư hoặc chồng về) nhưng ở đây cái hoa đèn cũng lừa chị nốt!

            Bài thơ dừng ở đây là trọn vẹn rồi. Khổ cuối cùng chỉ là lời bình là sự suy diễn của tác giả. Theo tôi không cần thiết phải áp đặt nhận thức như thế, cứ thể cho những câu thơ trên va đập vào tâm hồn người đọc, để từng người tự nhận thức.

(Nguyễn Bùi Vợi- báo Phụ Nữ Việt Nam 2001)

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn