Chiều ơi xin chớ đi mau

Mênh mông mặt nước hồ đầy
Gío vi vu gió- rừng cây xạc xào
Ráng chiều đỏ lựng trên cao
Mình tôi phòng vắng ra vào ngẩn ngơ
Chiều như thực- lại như mơ
Trên con đường nhỏ ai chờ đợi ai
Có cô gái tóc rõ dài
Sánh vai cùng với bạn trai hẹn hò
Vui như con sóng vỗ bờ
Tuổi đôi mươi đến bao giờ hỡi em?
Tiếc mình đã bước qua thềm
Ngày xuân đã bỏ qua rèm từ lâu
Chiều ơi xin chớ đi mau
Ðể cho tóc mãi xanh màu thời gian
Nguyễn thị Hồng Ngát.

            Bài thơ lục bát mở đầu bằng một bức tranh thiên nhiên đẹp và khoáng đạt. Trên cái nền bức tranh đó có con người xuất hiện là con người của tình yêu. Họ tự tìm đến với nhau. Sự xuất hiện của họ đã làm cho cảnh chiều vốn đã đẹp lại càng thêm tình tứ và lãng mạn:

Chiều như thực- lại như mơ
Trên con đường nhỏ ai chờ đợi ai

            Người đọc tự hỏi, tại sao tác giả lại "Chiều như thực- lại như mơ?" Câu thơ có ẩn ý gì chăng?! Thưa, có đấy. Chiều như thực mà cũng như mơ đấy. Không sai. Cái dấu gạch ngang (-) rất có chủ định nhằm cho người đọc nhận biết, chính tác giả- thi sĩ Nguyễn thị Hồng Ngát cũng đang mơ đây. Và trong "giấc mơ" tình yêu lứa đôi- đối tượng được miêu tả- hiện lên thật mượt mà, đầy sức sống:

Có cô gái tóc rõ dài
Sánh vai cùng với bạn trai hẹn hò
Vui như con sóng vỗ bờ
Tuổi đôi mươi đến bao giờ hỡi em?

            Thiết nghĩ, con người và sự việc trong các câu thơ trên đúng là thực quá đi rồi. Cảnh đôi lứa yêu nhau, hẹn hò sánh vai bên nhau trên con đường nhỏ thân thuộc quả là hạnh phúc. Cô gái rất vui "Vui như con sóng vỗ bờ". Hình ảnh "con sóng vỗ bờ" diễn tả niềm vui trào dâng mãnh liệt của hạnh phúc tình yêu. Thật khó có niềm vui nào hơn thế, có lời thơ nào mô tả đắc địa hơn thế. Tác giả như mừng theo niềm vui cùng hạnh phúc của họ. Trái tim nhạy cảm của người phụ nữ đã mách bảo chị, chỉ có tuổi đôi mươi mới có những biểu hiện tình yêu như thế, như... chị "ngày xưa". Chị hỏi cô gái "Tuổi đôi mươi đến bao giờ hỡi em?" nhưng chị có tiếp cận cô gái đâu. Thành thử, câu hỏi đó đích thị là dành cho chị rồi. Chị hỏi chính mình, hỏi bằng sự trải qua của mình cốt là để mừng cho cô gái kia đã đến cái tuổi của tình yêu, tuổi đẹp nhất đời người. Ngẫm thêm nữa, đó cũng chính là câu hỏi đánh thức hồi ức, kỷ niệm của chị. Chị cũng đã từng có một thời "hoàng kim" của tình yêu. Cái "ngày xưa"... cũng khá lâu rồi, chị cũng là một cô gái trẻ đẹp, cũng có mái tóc rõ dài, cũng sánh vai cùng bạn trai, cùng hẹn hò tình yêu như cô gái kia. Chị đâu có vương vấn ý nghĩ ghen tỵ, ích kỷ, trái lại chị thầm cảm ơn cô gái kia, cám ơn tình yêu của họ đã làm mình được nhớ lại, được vui sướng, được hạnh phúc như họ bây giờ. Nghĩ mà... "thèm" cái "ngày xưa" ấy. Cái thuở "Lần đầu khi mới làm quen/ Anh khen cái nhìn em đẹp" (Lâm thị Mỹ Dạ). Cái thuở "Ngắt một chùm hoa giấu trong chiếc khăn tay/ Cô bé thẹn thùng bước sang nhà hàng xóm" (Phan thị Thanh Nhàn). Ôi cái "ngày xưa".. cảnh thực và mơ, cứ thế đan xen, lan toả vào nhau, quấn quýt tâm trí chị.

            Ðúng là "cái tuổi nó đuổi xuân đi" (Tục ngữ). Phần cuối bài thơ là niềm nuối tiếc khôn nguôi của chị về cái thời xuân sắc của mình đã đi vào dĩ vãng. Chị "Tiếc mình đã bước qua thềm". Ba từ "đã bước qua" đọc lên nghe thật mủi lòng, xa xót. Chị nghĩ, giá như mình "chưa bước qua" hoặc "không bước qua" được, hoá ra mình vẫn còn trẻ con hay vì một lý do nào khác. Từ "thềm" mà Nguyễn thị Hồng Ngát nói ra ở đây, đó chính là thời xuân sắc của tuổi trẻ và tình yêu trong đời chị nay đã trở thành kỷ niệm mất rồi. Kỷ niệm đó, theo chị có vui, có buồn, có hạnh phúc, khổ đau, thậm chí có khi bất hạnh nữa. Nhưng trên hết vẫn là vui sướng hạnh phúc. Ðến bây giờ đã ngoài ngũ tuần rồi, chị "ngày xuân đã bỏ sau rèm từ lâu" rồi. Hẳn nhiên trái tim yêu không phải không còn rung động, nhưng độ rung động đó đã chuyển sang một "kênh" khác lắng dịu hơn, đằm sâu hơn đâu còn thích hợp với tuổi đôi mươi vô tư hồn nhiên nữa. Cái "rèm" thời gian đã khép lại "ngày xuân" của chị rồi, muốn mở ra, muốn níu kéo lại chậm hơn cũng không được- quy luật mà- chị chỉ còn thốt lên một lời nguyện cầu nghe thật diết da, đau đáu:

Chiều ơi xin chớ đi mau
Ðể cho tóc mãi xanh màu thời gian

            Hai câu kết này của bài thơ đọc lên thấy nao nao. Chiều là khoảng cuối thời gian của một ngày. Theo ngành thiên văn, con số cơ học, được tính là 24 giờ cho một ngày một đêm. Ðiều đó là bất di bất dịch, không thể thay đổi. Biết thế mà thi sĩ vẫn muốn "Chiều ơi xin chớ đi mau". Thật là một lời xin mang tính nhân văn rất cao. Hoá ra chị có xin cho riêng mình chị đâu. Biết bao người phụ nữ của bao nhiêu thế hệ khắp địa cầu này ai ai không muốn có lời nguyện cầu như thế. Ðiều đó có nghĩa là phái đẹp sẽ rất yêu mến đồng cảm sâu sắc với chị, "Ðể cho tóc mãi xanh màu thời gian" cho cuộc sống thêm phần ý nghĩa.

            Ðọc chị, gặp được Chiều ơi xin chớ đi mau tôi rất thích, khỏi uổng công cho lòng ái mộ. Mừng, thấy nghiệp thơ chị vẫn chung thuỷ và tỏ ra sung sức dẫu "làng điện ảnh" luôn "quấy rầy" chị.

(Minh Quang- báo Phụ nữ Việt Nam tháng 4/2000)

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn