dientich.gif (11346 bytes)

        NẰM GAI, NẾM MẬT

        Câu Tiễn và vợ, cùng với Phạm Lãi cắt cỏ trên một cánh đồng; trời đã về chiều mặt trời chênh chếch về phía Tây. Ba người dừng tay, vơ cỏ, bó thành ba bó to rồi mỗi người ôm một bó rảo bước trở về thành. Về đến chuồng ngựa, ba người xếp cẩn thận cỏ vào một ngăn. Phạm Lãi người khoẻ mạnh hơn cả, xách một cái thùng to ra giếng gần đấy múc nước, rồi đổ mạnh vào chuồng ngựa. Câu Tiễn và vợ lấy chổi quét phân ngựa; họ làm việc yên lặng, cần cù; khi chuồng ngựa sạch bóng, Phạm Lãi dắt bốn con tuấn mã cao, to, lông bóng nhẫy đưa vào chuồng; Câu Tiến đóng cửa bốn chuồng ngựa cẩn thận; ba người ra cạnh giếng rửa chân tay, rồi lặng lẽ như ba cái bóng, cùng đi về nhà giam xây đá hộc, tường cao ngất gọi là Thạch Thất (Nhà Ðá). Chú lính gác mở cổng nhà giam, ba người đi vào; cổng sắt đóng lại. Không một tiếng đông, không một lời nói. Một mâm cơm đã đặt sẵn dưới đất bên cạnh một nồi cơm to đã nguội; cơm hẩm, một bát rau, một đĩa muối ẩm ướt. Phạm Lãi xới ba bát cơm, lấy hai tay dâng cơm lên Câu Tiễn và vợ; Chàng nhìn xung quanh; không thấy ai, chàng khóc, đưa tay gạt nước mắt, khẽ nói: "Hạ thần tài hèn, đức mọn, nên nông nỗi này"... Câu Tiễn đưa mắt nghiêm khắc nhìn Phạm Lãi. Phạm Lãi biết ý, im bặt. Song nước mắt chàng cứ tràn xuống hai má.

        Tướng Phạm Lãi thoáng nhớ lại tất cả: chiến tranh giữa nước Việt và nước Ngô kéo dài. Trận cuối cùng, trận đánh ở Cối Kê thật khủng khiếp; quân nước Việt đại bại; quân nước Ngô xung trận chém giết quân và tướng Việt vô cùng dã man; các tướng giỏi của Việt đều bị chém đầu hoặc bị bắt sống; lính chết như rạ. Vua Việt là Câu Tiễn phải mở cổng thành xin hàng quân Ngô. Vua Ngô là Phù sai cho bắt vua Câu Tiễn cùng Hoàng hậu mang về đất Ngô làm tù binh, giam vào nhà đá; tướng Phạm Lãi được phép theo hầu vua Câu Tiễn sang Ngô. Ba người tù hàng ngày phải cắt cỏ cho ngựa, quét dọn chuồng ngựa; ba người vô cùng đau xót, tướng Phạm Lãi lúc vắng người khóc một mình thảm thiết; chàng cho rằng vì chàng đức tài hèn mọn nên vua Câu Tiễn và Hoàng hậu mới nhục nhã thế này. Song vua Câu Tiễn nghĩ khác; ông cam chịu tất cả mọi khổ nhục, ông nuôi chí báo thù, lúc này ông không khóc, ông chịu đựng tất cả, sau này trở về nước khôi phục giang sơn; ông chỉ xót thương Hoàng hậu; ông nuôi chí lớn. Gần ba năm trôi qua.

        Vua Ngô Phù Sai, thấy ba người tù ngày ngày âm thầm làm việc chăm chỉ tin rằng vua Câu Tiễn đã thật lòng quy phục mình. Người ta kể rằng, để thử lòng ông vua tù nhân, Phù Sai nhân khi ốm, bắt Câu Tiễn nếm phân của mình. Câu Tiễn không nề hà làm theo ý Phù sai. Ðêm ấy Hoàng hậu và Phạm Lãi khóc suốt. Câu Tiễn không nói một lời. Ba người bị giam đã ba năm thì được Ngô Phù Sai trả lại tự do; vua Câu Tiễn, Hoàng hậu và Phạm Lãi trở về nước. Vua cùng Phạm Lãi và nhiều đại thần yêu nước chiêu hiền đãi sĩ, mưu tính việc báo thù cho đất nước. Vua giảm thuế, mở rộng nhiều quyền hạn của dân. Mùa cày ruộng, vua đi cày cùng với dân; mùa gặt lúa, vua gặt cùngvới dân. Hoàng hậu chăn tằm, dệt vải. Câu Tiễn sống thạt kham khổ để nuôi chí căm thù, lạnh không đắp chăn, nóng vẫn nằm bên bếp lửa. Dưới chỗ nằm, ông trải một lượt gai, để hành thân xác; ở nơi làm việc và nơi nằm ngủ, ông treo một túi mật, thỉnh thoảng nếm một giọt để nhớ những cay đắng, tủi nhục mà gia đình ông, nhân dân nước ông đã chịu từ trận Cối Kê thảm hại.

        ÍT năm sau, nước đã mạnh, dân giàu, được Phạm Lãi giúp mưu kế, vua Câu Tiễn cho quân đánh nước Ngô đã suy yếu và chinh phục được nước này.

        "Nằm gai, nếm mật" là chịu đựng những đau khổ để mưu việc lớn. Trong bài Văn tế trận vong tướng sĩ, Nguyễn Văn Thành viết :"Nằm gai nếm mật chung nỗi ân ưu; mở suối bắc cầu riêng phần lao khổ".

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

 


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn