AI YÊU CÁC NHI đồng bằng Bác Hồ Chí Minh.

      Lời thơ đã đi qua bao năm tháng và sẽ tồn tại mãi với thời gian cùng với tình yêu thương bao la của Bác Hồ và những lời chỉ bảo ân cần của Người về công tác Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Vâng!, sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành nhiều tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với trẻ em- những chủ nhân của tương lai đất nước.

        Lật lại những trang viết, đọc lại những bài nói của Bác, chúng ta thấy Người đề cập nhiều đến thiếu niên nhi đồng. Bác đã viết trên 60 lá thư gửi các cháu nhỏ, đặc biệt vào dịp Tết dân tộc, Tết Trung thu, nhân ngày khai trường... Thơ văn của Bác dành cho trẻ thơ cũng không ít... Tất cả đều thể hiện lòng yêu thương vô bờ bến của Người, bắt nguồn từ lý tưởng cao cả của Bác: Suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Ðó là "ham muốn tột bậc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình cảm đó luôn thường trực ở Người và cả khi sắp phải đi xa, Bác vẫn thể hiện mong muốn đến ngày thống nhất "Tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc... thăm hỏi các cụ phụ lão, các thanh niên và nhi đồng yêu quí..." và "tôi để lại muôn vàn tình thương yêu... cho các cháu thiếu niên và nhi đồng".

        Ðiều đáng gìn giữ, trân trọng là tình cảm, sự quan tâm to lớn của Bác bắt nguồn từ tầm nhìn xa trông rộng "vì lợi ích mười năm trồng Người", vì chiến lược con người. Bác khẳng định: "Bồi dưỡng thế hệ Cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng". Bác đề cao và đặt niềm tin vào thế hệ trẻ: "Non sông Việt nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu" (Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường, tháng 9/1945). Bác giải thích "Ngày nay là các cháu nhi đồng. Ngày sau các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới". Tư tưởng này giờ đây vẫn còn nguyên giá trị và hoàn toàn phù hợp với tư tưởng thời đại: "Trẻ em hôm nay- Thế giới ngày mai"

        Ðặc biệt, trong nhiều bài nói, bài viết của Bác còn chứa đựng những tư tưởng, quan điểm lớn về công tác Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Về điều này, Bác đã để lại những lời chỉ bảo ân cần, cụ thể, gần gũi với công tác này. Trong bài "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng" (báo Nhân dân số 5526 ngày 1/6/1969) Người nhấn mạnh: "Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Ðảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bĩ... Trước hết, các gia đình (tức ông bà, cha mẹ, anh chị) phải làm thật tốt công việc ấy. Các đảng uỷ, Uỷ ban thiếu niên, nhi đồng, đoàn thanh niên, ngành giáo dục và các ngành, các đoàn thể cần phải có kế hoạch cụ thể để chăm sóc, giáo dục các cháu ngày càng khoẻ mạnh và tiến bộ. Các tỉnh uỷ, thành uỷ cần phải phụ trách, đôn đốc việc này cho có kết quả tốt".

        Cụ thể hơn, Người còn chỉ bảo: trẻ em cần được chăm sóc về mọi mặt: sức khoẻ, học tập, vui chơi, giải trí và hoạt động đoàn thể. Về chăm sóc sức khoẻ, Bác luôn nhắc nhủ: các ngành, các cấp phải làm sao cho các cháu được "ăn no, mặc ấm", "giữ gìn vệ sinh", phòng bệnh chữa bệnh. Trong chương trình Việt Minh (1941) Người viết: "Nhi đồng được Chính phủ săn sóc đặc biệt về thể dục và trí dục"

        Về công tác giáo dục, Bác luôn khẳng định: mục tiêu đào tạo là để các cháu trở thành "người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà". Người đòi hỏi trẻ em phải được giáo dục toàn diện "không chỉ có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức Cách mạng". Người còn chỉ ra rằng, phương pháp giáo dục trẻ em phải chú ý đến sự vừa sức và phù hợp lứa tuổi. Bác viết trong "Thư gửi Hội nghị các cán bộ phụ trách Nhi đồng toàn quốc" (tháng 11/1949): giáo dục "phải giữ toàn vẹn cái tính hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng". "Trong lúc học cũng cần cho chúng vui, trong lúc vui CŨNG CẦN LÀM CHO CHÚNG HỌC. TRONG NHÀ, Ở TRƯỜNG học, ở xã hội, chúng đều vui, đều học".

        Quan tâm đến vui chơi, giải trí của cháu nhỏ, Bác dặn, phải dành cho các cháu từ đồ chơi đến sách báo, thư viện và các sinh hoạt khác.

        Tất cả những lời dạy này rõ ràng vẫn có ý nghĩa to lớn trong công tác Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em hôm nay. Và không chỉ có chỉ ra mục tiêu, phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ em, Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn chú ý biểu dương gương tốt thiếu nhi, đồng thời khuyên răn nhắc nhở các em phải giữ gìn sức khoẻ, biết yêu, biết ghét, biết đoàn kết. Cách đây 58 năm, nhân dịp Ðội Thiếu niên Tiền phong tròn 20 tuổi, Bác căn dặn thiếu niên, nhi đồng phải:

"Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Ðoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Gĩư gìn vệ sinh thật tốt
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm"

        Những điều này từ đó đến ngày nay đã trở thành "5 điều Bác Hồ dạy" được các thế hệ thiếu niên, nhi đồng nước ta coi đó là nội dung phấn đấu rèn luyện để trở thành "con ngoan, trò giỏi".

            Vâng, "Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh"
        Lời Người viết tự đáy lòng, từ con tim khối óc nung nấu vì tương lai tốt đẹp của dân tộc. Bởi vậy, những lời chỉ bảo của Người, những quan điểm lớn của Người về công tác Bảo vệ chăm sóc và Giáo dục trẻ em mãi mãi còn nguyên giá trị và tiếp tục con đường để sự nghiệp Bảo vệ chăm sóc và Giáo dục trẻ em của đất nước ta đạt nhiều kết quả vững chắc.

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn