MẮT NGƯỜI sơn tây
Quang Dũng - 1949

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi nhớ xứ Ðoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?

Mẹ tôi, em có gặp đâu không
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông!

Từ độ thu về hoang bóng giặc
Ðiêu tàn ôi lại nối điêu tàn!
Ðất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan?

Ðôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm thương nhớ
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Ðáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Ðã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?

        Nếu "Tây tiến" là bài ca hào hùng trong những ngày kháng chiến chống Pháp gian khổ của đoàn quân Tây tiến thì "Ðôi mắt người Sơn Tây" LẠI LÀ CUNG TRẦM, SÂU LẮNG, XÓT XA TRONG MẠCH NHỮNG BÀI CA THỦA ẤY. TÂY TIẾN, BỨC TRANH VỀ CUỘC SỐNG CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH Tây tiến hiện lên rõ nét, sinh động với tất cả cái bi, cái hùng của một thời đại lịch sử thì ở "Mắt người Sơn Tây" lại là sự đẫm xót xa, thao thức, nhung nhớ đến quặn lòng của người thi sĩ tài hoa.

        Trong thơ Quang Dũng, túc trực một nỗi nhớ và sự thao thức khôn nguôi. Cảm hứng nghệ thuật của Quang Dũng thường đi sau sự xúc động, trăn trở về con người và cuộc sống. Trong "Mắt người Sơn Tây" bức tranh về quê hương trong kháng chiến chống Pháp hiện lên với tất cả niềm đau và nỗi nhớ. Trong cái cảnh hỗn loạn, tang thương của vùng quê bị giặc chiếm đóng và tàn sát dã man, những xác người vô tội chết một cách thảm khốc: "Những xác già nua ngập cánh đồng", "bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông"... Quang Dũng có thể nói gì đây khi bốn bề chung quanh, những ánh mắt "u uẩn chiều lưu lạc" với những nỗi "buồn viễn xứ khôn khuây"? Theo dọc nguồn cảm xúc, lộ trình trong nỗi nhớ và sự đau đáu trong thơ Quang Dũng có những lúc oằn lại, xót xa. Một nét chấm phá của quê hương trong màu xanh xứ sở "Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì", trong những vẻ đẹp mây trắng xứ Ðoài, trong nỗi buồn xa xăm của người con xứ Phật "Mắt em dìu dịu buồn Tây phương"... đã không chỉ là những nốt nhấn trong bài ca trữ tình da diết, mênh mông sâu lắng này.

        Khởi nguồn của cảm xúc là cảnh biệt ly. Biệt ly trong đau thương và mất mát. Quang Dũng hỏi về quê hương xứ sở, hỏi về những số phận leo lét rủi may trước những tội ác tày trời của giặc. Hỏi để tự trả lời với chính mình và tự chất vấn chính mình. Khi đã nhận ra "Ðiêu tàn ôi lại nối điêu tàn" thì cũng là lúc thi sĩ ôm trọn tình quê trong nỗi "buồn viễn xứ khôn khuây" làm hành trang lên đường để hẹn với người thân, quê hương: "ngày trở lại quê hương/khúc hoàn ca rớm lệ".

        Nếu  "Mắt người Sơn Tây" là bức tranh phân cảnh tối sáng tương đối thành công của thi sĩ - họa sĩ tài hoa Quang Dũng mà mảng tối nhạt nhoà ở phần đầu thì phía sau lại là khoảng sáng rực rỡ làm reo vui lòng người không dễ gì ai cũng làm được. Mảng tối với sự leo lét của người sống, cái bi thương của người chết, cái u sầu trong tâm trạng, cái uẩn trong ánh nhìn ... thì mảng sáng lại ùa vào trong bức tranh khi những nét phác thảo của nhà thơ họa tiết về tương lai :

" ... Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Ðáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng ..."

        Thời gian chưa định hình nhưng sự việc lại là cụ thể. Cái ngày mà Sài sơn, Bương Cấn rực lên màu vàng no ấm trên những cánh đồng và bức tranh thanh bình trong tiếng sáo đêm trăng đã không chỉ là tả mà là gợi lên niềm thao thức trong mỗi con người. Người lính Tây tiến, nhà thơ, họa sĩ tài hoa ấy đã không hiểu vì sao mình lại chăm chăm "gửi niềm nhớ thương" cho người thân để "ngày trở lại quê hương" đi trong "khúc hoàn ca rớm lệ".

        Sự gặp gỡ lần này chỉ có vậy thôi. Nhưng Quang Dũng lại hẹn ngày tái ngộ:

" ... Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Ðã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Có bao giờ em nhớ ta?"

        Người đã cùng đoàn quân Tây tiến kiêu hùng "không mọc tóc" với "quân xanh màu lá dữ oai hùm"đã từng tuyên thệ "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" cũng là người trọn đời hy sinh để cho đất nước "thanh bình rộn tiếng ca" cũng là điều đễ hiểu. Trong "Mắt người Sơn Tây" ta đã không chỉ gặp một cái nhìn sâu lắng mà còn cảm nhận được một tấm lòng, một sự thao thức rất nhân bản của thi sĩ. Và, sự thao thức ấy đã giúp nhà thơ vững tin, thành công trên lộ trình đến với cái đẹp trong cõi văn, cái cao quý trong lý tưởng - đặc biệt qua những trang thơ ông để lại cho đời ...

(Chu Thị Thơm)

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn