Luỹ tre xanh của Hồ Dzếch

Có một bài thơ lục bát dài 4 khổ 12 câu mang đầu đề Luỹ tre xanh mà cả bài thơ chỉ vẻn vẹn dùng một từ tre
Có một bài thơ chỉ vẻn vẹn dùng một từ tre mà vẽ lên chân dung cả ngôi làng xanh mát, yên bình và thật thân quen gần gũi với cuộc đời mỗi chúng ta.
Bài thơ ấy có trong tập thơ Quê ngoại của nhà thơ Hồ Dzếch sáng tác cách đây hơn 60 năm:

Luỹ tre xanh

Làng tôi thắt đáy lưng... tre
Sông dài, cỏ mượt đường đê tứ mùa
Nhịp đời định sẵn từ xưa
Ươm tơ tháng sáu, lên chùa tháng giêng

Chợ làng mỗi quý, mươi phiên
Ðong ngô đổi gạo, trang tiền bằng khoai
Trong làng lắm gái, thưa trai
Nên thường có luật chồng hai vợ liền

Làng gần đô thị tuy nhiên
Mắt trong vẫn giữ được niềm sắt son
Lâu rồi truyền tử lưu tôn
Màu duyên ân ái mây còn thoảng bay

Tôi yêu... nhưng chính là say
Tình quê Nam Việt bàn tay dịu dàng
Thơ tôi: đê thắm, bướm vàng
Con sông be bé, cái làng xa xa...
(Hồ Dzếch)

        Ðúng thế, cả bài thơ chỉ có một từ "tre" nhưng đó là một từ đắt. Nó đắt vì nó xuất hiện bất ngờ và là sự phát hiện độc đáo: "Thắt đáy lưng... tre". Người đọc vẫn quen câu "thắt đáy lưng ong" khi nói về vóc dáng người con gái nay được nghe "thắt đáy lưng.. tre" thì lạ. Nhưng ngẫm thấy đúng. Càng ngẫm càng thấy tài. Tài thật. Cái hình tượng "thắt đáy lưng... tre" vừa giới thiệu được đặc điểm cái làng nhiều tre như bao nhiêu làng quê khác ở nông thôn Việt Nam, vừa khoe được bản chất truyền thống của cái làng thuần phác nông nghiệp, con người vốn cần cù lương thiện, chịu thương chịu khó, thắt lưng buộc bụng như cây tre của làng. Từ "tre" xuất hiện ngay dòng thơ đầu tiên như nét bút đầu tiên tác giả vẽ bức chân dung của làng vậy. Làng ấy có tre, làng ở bên sông và có con đê cỏ mượt tứ mùa. Tre, sông, đê, cỏ chỉ là phác thảo bằng hơn một dòng lục bát mà sao cái làng đã hiện ra xanh mát trước mắt ta, làm ta sảng khoái dễ chịu như được đắm mình trong không gian thiên nhiên thanh khiết. Yêu ngôi làng bình yên xanh mát và cũng thương ngôi làng nghèo của thời kinh tế giản đơn:

Chợ làng mỗi quý, mươi phiên
Ðong ngô đổi gạo, trang tiền bằng khoai

        Có lẽ đó là ngôi làng cổ, xưa cũ lắm so với thời ta đang sống hôm nay. Thời ấy, con người hình như không có nhu cầu bán mua, tiêu tiền. Mỗi quý mươi phiên chợ. Con người đến chợ mang những thứ mình có để đổi lấy những thứ mình cần. Vật ngang giá là gạo, ngô, sắn... là lương thực cần thiết phải có để sống. Con người chưa nghĩ đến những nhu cầu khác. Vậy nên con người chỉ biết làm ăn vô tư, sống hiền lành không tham vọng quyền uy sang giàu và có lẽ ngay cái "luật chồng hai vợ liền" họ cũng coi như để điều hoà tình trạng "lắm gái thưa trai" chứ cũng không bất bình trước sự phân biệt đối xử của chế độ phong kiến xưa.

        Yêu ngôi làng xanh mát, bình yên, thương ngôi làng nghèo, nhưng hơn cả là quý ngôi làng vì những truyền thống tốt đẹp vẫn được làng giữ gìn nguyên vẹn:

Nhịp đời định sẵn từ xưa
Ươm tơ tháng sáu, lên chùa tháng giêng...
Làng gần đô thị tuy nhiên
Mắt trong vẫn giữ được niềm sắt son
Lâu rồi truyền tử lưu tôn...

        Không thể tưởng tượng được ở gần đô thị mà lại có một ngôi làng thuần nông nghèo nhưng nề nếp đến như thế. Cái đẹp của hình tượng bài thơ có phải ở chỗ này chăng?

        Thử hỏi nếu làng không có tre, không có sông, không có đê và cỏ... làng toàn nhà cao tầng xây xi măng cốt thép với những siêu thị dập dìu suốt ngày, suốt tháng, tiền của quay như chong chóng... thì còn đâu là làng? Và làng không luỹ tre. Mất mọi khả năng chở che, không còn rào luỹ bảo vệ... làm sao cuộc sống có thể bình yên bền vững?

        Ðó mới chính là cảm hứng trọng tâm của bài thơ.

        Ðó mới chính là lý do vì sao tác giả đặt tên bài thơ là "Luỹ tre xanh" để rồi tuyên ngôn thơ của mình:

Thơ tôi: đê thắm, bướm vàng
Con sông be bé, cái làng xa xa...

(Nguyễn thị Mai - Báo Phụ Nữ Việt Nam)

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn