Khăng khít

Em có cháu gọi "bà"
Gọi "em" anh vẫn gọi
Năm mươi tuổi, ai già
Chúng mình sao trẻ vậy

Anh đọc truyện em nghe
Em muốn em là "Tấm"
Lòng hoàng tử- anh mê
Từ buổi đầu em lấm

Em gọt khế cuối mùa
Anh cắn từng lát nhỏ
Ôi, quả thường vị chua
Mà mong nhiều thương nhớ

Bao bận anh lên đường
Ngày về thường sai hẹn
Giữa lúc em dỗi hờn
Thư anh liền kịp đến

Bao bận em se mình
Giành cơm, anh nấu cháo
Ôi đâu phải mùi hành
Mồ hôi em thấm áo

Hạt nắng nhảy trong vườn
Khiến "lòng đôi" xao xuyến
Có phải ngày ta thương
Một mùa hè quá ngắn

Chiếc áo cưới năm xưa
Mùi hòm rương nếp gấp
Ướm lại rộng không vừa
Em vẫn khen tơ chắc.

Ta gắn nhau từ đầu
Càng gắn nhau về cuối
Ðâu nghĩ là xa nhau
Cho đến giờ hấp hối.
(Yến Lan)

            Năm 1994, đi bình thơ ở các tỉnh Quảng Nam Ðà Nẵng, Bình Ðịnh, Khánh Hoà và Bình Thuận, tôi có đến thăm nhà thơ Yến Lan ở thị trấn An Nhơn. Vui chuyện, tôi hỏi ông về cái bút danh mang tên rất con gái này thì nhà thơ thố lộ: Thời ông đi dạy trung học, có hai cô nữ sinh cùng yêu thầm nhớ trộm thầy giáo Lâm Thanh Lang (tên thật của nhà thơ). Một cô tên là Yến, một cô tên là Lan. Sau khi ra trường, biết thầy Lâm Thanh Lang đã ngỏ lời với Lan, Yến bỏ nhà đi tu. Cảm kích trước tình yêu của hai cô Yến và Lan, thầy giáo dạy văn Lâm Thanh Lang lấy bút danh là Yến Lan. Yến Lan đã có những bài thơ nổi tiếng như: Bến My Lăng, Lại về tỉnh nhỏ...

            Bài "Khăng khít" này, nhà thơ viết cách đây ngót ba mươi năm khi hai ông bà đã ngoài tuổi 50:

Em có cháu gọi "bà"
Gọi "em" anh vẫn gọi
Năm mươi tuổi, ai già
Chúng mình sao trẻ vậy

        Nhà thơ tự khép mình một cách hồn nhiên, không cần giữ ý, không sợ ai bắt bẻ "chê cười". Kể cái việc xưng hô gọi người vợ đã cứng tuổi là "em", với Yến Lan cứ như là một phát hiện, thật ra ở xã hội hiện đại, đó là việc bình thường. Cái chất thi sĩ hồn nhiên, ngơ ngác của ông thể hiện rõ nhất ở khổ thơ đầu ấy.

            Rồi, cả bài, bao nhiêu khổ thơ tiếp theo đều nói lên sự khăng khít của đôi vợ chồng tuổi cao mà tình còn trẻ bằng những chi tiết đời sống tươi xanh và cụ thể:

- Anh đọc truyện em nghe
Em muốn em là "Tấm"
- Em gọt khế cuối mùa
Anh cắn từng lát nhỏ
- Giữa lúc em dỗi hờn
Thư anh liền kịp đến
- Bao bận em se mình
Giành cơm, anh nấu cháo
...v. v ..
.

        Tình yêu thời trẻ thường đắm say, ngây ngất với những nụ hôn nồng nàn, những hẹn ước, thề nguyền, nhớ thương cháy bỏng có lúc cũng ... hoang tưởng, "giời ơi"! Còn người có tuổi gắn bó với nhau bằng những chi tiết hạnh phúc đã trở thành kỷ niệm. Và khi đã là những kỷ niệm đẹp thì nó rất bền.

            bài thơ này, nhà thơ Yến Lan không làm thơ. Ông không phải lập tứ, tìm ý tưởng, tìm bố cục mà chỉ thong thả kể hết cho bạn đọc những gì ông bà dành cho nhau, quan tâm đến nhau, sống vì nhau vì cả hai vợ chồng rất yêu nhau, khăng khít với nhau.

            Bài thơ đến với người đọc như một lời rủ rỉ chuyện trò, chân tình và tin cậy. Yêu nhau lúc cả hai còn trẻ thì dễ, yêu nồng nàn ở tuổi trung niên đã khó, yêu thắm thiết ở tuổi 50, 60 để còn... làm thơ được quả là không dễ chút nào!

            Phải chăng, đó cũng là thông điệp nhà thơ gởi đến bạn đọc.

(Nguyễn Bùi Vợi- báo Phụ Nữ Việt Nam)

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn