TIỂU SỬ
Trần Ninh Hồ tên khai sinh là Trần Hữu Hỷ, sinh ngày 23 tháng 7 năm 1943 tại làng Sen Hồ, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, quê bố. Quê mẹ làng Mật Ninh, Việt Yên, Bắc Giang.
Hiện ở tại Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1976).
Từng là thanh niên xung phong; biên tập và sáng tác tại Ty Văn hóa Hà Bắc; Ði bộ đội vào chiến trường miền Ðông Nam Bộ; năm 1975 chuyển sang làm báo Văn nghệ Giải Phóng (trưởng ban Văn xuôi). 1977 về Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam (Trưởng ban Văn; Trưởng ban Thơ). Hiện công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam (Phó ban công tác Nhà văn trẻ). Chủ nhiệm bảo tàng văn học Việt Nam.
TÁC PHẨM CHÍNH
Vườn hoa cổng ô (tập truyên ngắn, in chung, 1973); Ở trận (tập truyện ngắn, 1976); Ðiều không ngờ tới (tập truyện ngắn, 1984); Thư cuối năm (tập truyện ngắn, 1985); Những vòng vây (Kịch dài, 1989); Trăng hai mùa (Thơ, 1976); Viết cho một người (Thơ, 1990); Thấp thoáng trăm năm (Thơ, 1996). Giấc mơ vách núi (thơ 1-1991); Thơ gửi cho thơ (thơ -1999).
Ngoài ra đã viết một tập truyện dài Ðường đến trường; 5 tập truyện ngắn cho thiếu nhi.
Ông đã được Giải nhì cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam 1970-1971; Giải truyện ngắn hay 10 năm báo Văn nghệ Giải phóng (1965-1975); Giải truyện ngắn hay của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1973, 1975; Tặng thưởng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam 1997.
TỰ BẠCH
Quan niệm về văn học nghệ thuật, về thơ
Thơ là điện tâm đồ được "vẽ" bằng chữ,có nhạc nổi nhạc chìm.
Thơ quan trọng đến nỗi trong lịch sử sáng tạo văn học nghệ thuật, nó đồng nghĩa với Cái Ðẹp, với tất cả sự hoàn mỹ của một trung-tâm-tỏa-sáng! Ðến nỗi, khi đánh giá cao một tác phẩm nào (Văn, Kịch, Nhạc, Họa, Ðiện ảnh, Kiến trúc, Nhiếp ảnh...) người ta thường bảo: "Tác phẩm ấy rất giàu chất thơ!".
Ai không có niềm cảm hứng rào rạt của thi ca khi đứng trước một tác phẩm văn học nghệ thuật, không "làm thơ" được về tác phẩm ấy, thì cứ viết lý luận, biên khảo... chứ đừng viết phê bình.
Mọi định nghĩa về thơ nói chung đều vô... nghĩa! Cuối cùng... thơ là thơ!
TRÍCH TÁC PHẨM
Thủng thẳng với mùa xuân
Những đám mây tong tả
Dưới vòm trời lặng imMột người đi mấy ngả
Một ngả mấy người tìmMặt nước loáng cánh chim
Nền trời sôi tăm cáTheo tận cùng gót lạ
Lại nghe tiếng chân quenNhớ cái gì thắc thỏm
Quên cái gì đinh ninhChợt ước thành đom đóm
Vừa bay vừa giật mìnhÐắng, ngọt đều là mật
Ngọt, đắng cũng là duyênThơ hay như... thất luật
Người vui như ưu phiền!1997
Yên Tử
Khúc tưởng niệm thứ nhất
Tưởng niệm các minh đế triều Trần;
xuất thân chài lưới; 20 tuổi lên ngôi;
40 tuổi rời ngôi, lên tọa thiền nơi đây.Quét lưới dọc bể Ðông
Tự ngấm trầm luân sóng
Một ngày trước bệ Rồng
Biết rồng không là cá!Hai mươi tuổi trị vì
Thấy mình là thiên hạ
Dẹp giặc, dựng thái bình
Ðời hỏi còn chi lạ?Bốn mươi tuổi lên đây
Xuống tóc hóa ngàn tuổi!
Ngọc - tỷ chửa rời tay
Ðã xem như đá cuội!Bao thế kỷ gập ghềnh
Khúc khuỷu những sự tích
Khói sương nào là đích
Ðã khuất cả vào mây...Khúc tưởng niệm thứ hai
Thác lời Ðiều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông, Ðệ nhất Tổ Thiền phái Trúc Lâm nói với các cung nữ đã trầm mình tại dòng suối chân Yên Tử (Vân Yên), nơi Ngài ngồi tọa thiền.
Hoa trạng - nguyên ở lại
Cúc dại thì theo lên
Ðường hoàng hoa mê mải
Ðưa ta tới cửa thiềnTán tùng nhòa sương khói
Trúc sáng mầu thanh thiên
Chim cùng mây quấn quýt
Lòng ta thành Vân Yên.Có thật em vì ta
Hỡi những nàng cung nữ
Trẫm mình nơi suối dữ?
Non thiền cao ngàn trượng
Ta đâu ngờ! Ðâu ngờ!Có thật em vì ta
Hỡi những nàng cung nữ?
Quần thần tuyển bao giờ
Thật lòng ta nào nỡ!Mặt ta, em chẳng nhớ
Dáng em, ta nào quên
Ðâu đã thành duyên nợ
Sao trẫm mình vì duyên?Ðời bảo em tuẫn đạo
Ta bảo em thác oan
Xin lập đàn chứng giải
Trước muôn đời thế gian.Dẫu ta có trở lại
Nơi điện ngọc, cung vàng
Thì phận em, ta biết
Trọn kiếp vẫn cầm giam.Nay ta đã xuất gia
Làm ăn mày cửa Phật
Xin hãy xá cho ta
Mọi lỗi lầm oan khuất.Ta cầu cho xã tắc
Vạn thuở vững âu vàng
Như ngày ta dẹp giặc
Dẹp nỗi chìm nhân gian...1997-1998
Ai qua Uy Viễn (*)
Tưởng nhớ Nguyễn Công Trứ
"Lênh đênh một chuyến đò ngang..."
Qua Tiên Ðiền nhớ ghé sang bên này
Gặp người nửa tỉnh, nửa say
Nửa thông, nửa trúc, nửa mây, nửa giời
Nửa đời võng lọng tót vời
Nửa đời lại cưỡi bò chơi trên đường
Ðường dân, đường quan, đường trường
Ðường xênh, đường phách, đường thương, đường chờ
Giang sơn một gánh ngẩn ngơ
Cõi nhân sinh đấy mà ngờ chiêm bao...Giật mình. Bước thấp. Bước cao.
Ai qua Uy Viễn thì vào Nghi Xuân.Hà Tĩnh 1998
--------------------
(*) Uy Viễn (làng quê Nguyễn Công Trứ) gần Tiên Ðiền (làng quê Nguyễn Du) đều thuộc Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Ước vọng Hoàng Hạc Lâu
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu
(Lý Bạch)Trường Giang từ trời đổ xuống
Ta thì từ đất mọc lên
Mong chi tới lầu Hoàng Hạc
Mà nhìn mây trắng hai bênMây trắng. Hai bên. Mây trắng
Nào ngờ mầu trắng hai tay!
Chả lẽ lên được Hoàng Hạc
Lại xin một giấc ngủ ngày!Dẫu biết nơi nào cũng vậy
Thẫn thờ những áng mây trôi
Vẫn ước một lần Hoàng Hạc
Ngắm mây xa vắng nhiều thời!1995
Nắng, gió, mây, hoa, trăng
1.
Tiễn em đi nắng còn đậu trên thềm
Khi trở lại nắng đã đi bước nữa!
Không biết nắng về trời hay hóa lửa
Ta chỉ cần nắng đã sáng thềm em!2.
Gió như biết dọn đường đón từng bước em qua
Sao chỉ táp vào ta toàn bụi bậm!
Hình như gió biết ta chỉ làm khổ em thôi,
Nên muốn ta đến chậm
Tình yêu ơi muôn thuở phong trần!3.
Làm sao bắt em dừng lại
Em người của xứ-thẳm-xa
Cảm ơn bóng mây giây lát
Ðã làm rợp mát đời ta!4.
Có lần trót giận đàn bướm
Tôi buồn chả thiết trồng hoa
Thế rồi bướm không trở lại
Và hoa cũng biền biệt xa.5.
Có một vầng trăng lơ đãng
Lướt qua cửa sổ nhà tôi
Ðã thế lại còn nhểnh nhảng
Bặt tăm đến nửa tháng trời!1997-1998
NHẬN ĐỊNH
Một con người ham chơi, hay nói, hay cười (khá hợp với cái tên mà cha mẹ đặt cho là Trần Hữu Hỷ). Một hồn thơ đắm đuối, đượm mầu quan họ, nghiêng về phía cái đẹp của bản ngã, đi tìm cái triết lý ở cõi vô thường.
Trong tập Thơ gửi cho thơ (NXB Văn hóa - 1999), nhà thơ Trần Ninh Hồ có nhiều cách nhìn, phát hiện về "nghề" hết sức tinh tế, độc đáo. Ông giãi bày trong Khát vọng:
Thật chẳng khó khăn gì khi lại lấy ra nghìn tờ giấy mới
Sau rất nhiều trang xóa và bôi
Bôi và xóa mãi rồi ta đâu biết
Giấy như mây, trắng lắm, phía chân trời.
Với Thẩm định, Trần Ninh Hồ viết:
Có những câu thơ chỉ viết tặng em thôi
Nhà phê bình đọc xong bảo là thơ... chiến trận
Lại có những câu thơ viết ngay trong lửa đạn
Tới tay em, em lại bảo thơ tình.
Và trong tình yêu lứa đôi, sứ mệnh của thi ca cũng khác thường:
Nếu tất cả những cặp tình nhân đều lấy được nhau, thì có thể
Những câu thơ sẽ dừng ở cửa phòng
Ai cũng bảo tân hôn - ngày hạnh phúc
Sao lạ lùng thơ chẳng mãi song song.
"Khởi nghiệp" là một người làm thơ, nhưng tên tuổi Trần Ninh Hồ được bắt đầu biết tới khi đoạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn năm 1969-1970 của tuần báo Văn nghệ. Cho tới nay ông đã viết khoảng 30 truyện ngắn, được in thành 4 tập: Vườn hoa cổng ô (1973), Ở trận (1976), Ðiều không ngờ tới (1984), Thư cuối năm (1985). Truyện ngắn Trong những món ăn truyền lại từng được giải báo Văn nghệ là một trong vài truyện tác giả lấy làm tâm đắc nhất, nó cũng được chọn đăng trong 100 truyện ngắn hay thế kỷ XX do NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Tuy nhiên, thơ với ông vẫn là cuộc tình duyên không thể tách rời, và nói đến Trần Ninh Hồ mọi người thường nghĩ đến một nhà thơ hơn là người viết văn xuôi. Cho đến nay ông đã in 5 tập thơ, trong ấy tập Thấp thoáng trăm năm đã được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997.
Trong gần 20 năm, trên cương vị Phó Ban thường trực Ban công tác nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam, ông bộc bạch: "Sau năm 1975, đặc biệt là từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, nền văn học mới có điều kiện mở ra nhiều góc độ. Cũng từ đó bắt đầu xuất hiện một lớp nhà văn trẻ mang đến nhiều giọng điệu mới mà chính thế hệ chúng tôi không có được. Mười lăm năm, một thời gian quá ngắn để các nhà văn trẻ có thể viết nên những tác phẩm lớn. Nhưng cái đáng quý là đã xuất hiện những giọng điệu đặc sắc, mở ra triển vọng đầy lạc quan cho nền văn học Việt Nam bước vào thế kỷ XXI". Vẫn nụ cười trẻ trung hồn nhiên, nhưng hình như ở "gương mặt thơ" của Trần Ninh Hồ đã có nhiều nhuốm buồn của "thăng trầm thế sự".