NHÀ THƠ TỐ HỮU

TIỂU SỬ   

TÁC PHẨM CHÍNH   

   Từ ấy (thơ, 1946); Việt Bắc (thơ, 1954); Gió lộng (thơ, 1961); Ra trận (thơ, 1972); Máu và hoa (thơ, 1977); Một tiếng đờn (thơ, 1992); Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (tiểu luận, 1973); Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (tiểu luận, 1981); Ðợi anh về (tập thơ dịch, 1998).

   Ông đã được: Giải nhất giải thưởng văn học Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955 (tập thơ Việt Bắc); Giải thưởng văn học ASEAN (1996); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1, 1996).

TỰ BẠCH

Nhân dân là bể
Văn nghệ là thuyền
Thuyền xô sóng dậy
Sóng đẩy thuyền lên
Thuyền ra khơi xa
Gió căng buồm lộng
Buồm là lao động
Gió là Ðảng ta

(Lời đề từ tập Việt Bắc)

Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn nghìn trang giấy luận văn chương

(Tiễn đưa)

Tôi buộc hồn tôi với mọi người
Ðể tình trang trải với muôn nơi
Ðể hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

(Từ ấy)

   Chúng ta phải chống khuynh hướng tách rời văn nghệ và chính trị, tách rời sáng tác và công tác, huynh hướng chia đôi con người văn nghệ thành con người công dân và con người nghệ thuật, khuynh hướng tôn sùng bản năng, khinh thường trí tuệ, khuynh hướng cho rằng kỹ thuật quyết định hết thảy, kỹ thuật là một cái gì vĩnh viễn tuyệt đối, khuynh hướng công thức hóa những nguyên tắc hóa thành những dây trói buộc nghệ thuật. Chúng ta còn phải chống khuynh hướng bảo thủ, nệ cổ cũng như khuynh hướng tách rời thực tế của đất nước và phải bài trừ thái độ miệt thị quần chúng, cho rằng quần chúng không thể hiểu nghệ thuật. Phải kịch liệt đả phá thái độ của một số người văn nghệ bàng quan đối với cuộc sống, đối với dân tộc, nhân dân, khiến cho văn nghệ biến thành trò chơi thú vị riêng cho một bọn người vị kỷ.

(Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng
với nhân dân ta, với thời đại ta,
1973, tr.35)

NHẬN ĐỊNH

   Tôi chỉ là một người yêu thơ Tố Hữu. Tôi muốn giới thiệu với bạn đọc để bạn đọc có thể yêu Tố Hữu như tôi. Vì Tố Hữu không phải là nhà thơ riêng của tôi, mà là nhà thơ của tất cả thanh niên, nhà thơ của tương lai.

K và T (Mới, số 1 năm 1939)

   Lịch trình tiến triển về thơ của Tố Hữu đi song song với lịch trình tiến triển về tư tưởng và trình độ giác ngộ, về sức hoạt động của Tố Hữu.

   Thơ Tố Hữu không phải là một trò tiêu khiển mà là một khí cụ đấu tranh, một công tác vận động của người cách mạng.

   Người Tố Hữu là một thi sĩ, một chiến sĩ nhưng chúng ta đừng quên cốt cách của nó là thi sĩ.

(Lời giới thiệu tập Thơ của Tố Hữu,
Văn hóa Cứu quốc Việt Nam xuất bản, 1946)

   Tố Hữu không tô vẽ lên nhân vật quần chúng những nét sơn hào nhoáng, giả tạo. Tình cảm của nhân vật thơ anh biểu hiện lên từ bản chất giai cấp, từ đời sống thực.

   Người bộ đội chiếm một địa vị quan trọng trong tập thơ Việt Bắc, chính là người nông dân nghèo khổ.

HOÀNG TRUNG THÔNG -
Chặng đường mới của chúng ta (1961)

   Với Tố Hữu, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng. Ðó chính là đặc sắc và cũng là bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ ca.

ĐẶNG THAI MAI
(Lời giới thiệu tập thơ Từ ấy, Văn học, 1959)

   Thơ Tố Hữu là thơ một con người biết trân trọng lấy đời mình, muốn làm cho đời mình trở nên hữu ích. Vậy thì ai kia còn phung phí đời mình, làm gì cũng được, sống sao cũng xong, trong khi đọc thơ này hãy bắt đầu thử dừng lại mà biết quý lấy đời mình, mà đem xây dựng nó.

   Phong cách dân tộc ở Tố Hữu thể hiện ở chỗ thơ anh giàu chất nhạc, anh nắm rất vững cái âm điệu, vần điệu của dân tộc.

   ... Thơ anh là lối thơ lấy cái đường đi toàn đời, lấy cái hơi toàn tập, lấy cái tứ toàn bài là chính... Anh là một con chim vụ ở đường bay hơn là bộ lông, bộ cánh, tuy vẫn là lông cánh đẹp.

CHẾ LAN VIÊN (LỜI nói đầu cho tuyển tập 1938 - 1963
của Tố Hữu, Văn học, 1964

   Nhà thi sĩ ấy tự muốn mình là tiếng nói của dân tộc mình. Vậy thì dân tộc ấy có năng khiếu thơ thông qua nhà thi sĩ. Các dân tộc hiện đại, đã công nghiệp hóa rồi, đã bị san phẳng bởi những phương tiện tuyên truyền, không còn có một năng khiếu về hình tượng như thế nữa; không còn suối nguồn ở bản thân mình nữa. Nhưng Tố Hữu đắm mình trong dân tộc của mình, đồng thời là một thi sĩ độc đáo, một nhà sáng tạo ra các hình thể. Người ta càng cảm thấy điều đó rõ hơn khi anh nói một cách rất hay về thơ.

PIERRE EMMANUEL
(Lời tựa tập thơ Máu và hoa, xuất bản ở Pháp, năm 1975)

   Tập thơ Máu và hoa này xuất BẢN VÀO MÙA THU NĂM 1975. TÔI TIN RẰNG TẠP CHÍ CHÂU ÂU (Europe) sẽ đón chào nó như một sự kiện văn học.

JACQUES GAUCHERON, Con đường của Tố Hữu
(trong tập Máu và hoa (Sang et Fleurs) EFR, Paris, 1975)

   Thơ của chàng thanh niên Tố Hữu khi ấy từ trái tim vọt ra cũng như thơ của chúng tôi, cũng lãng mạn như thể chúng tôi, nhưng là thứ lãng mạn khác, có nhiều máu huyết hơn; thơ chúng tôi chỉ đập cho mở cửa trời, nhưng thơ Tố Hữu thì mới có chìa khóa: Cách mạng, giải phóng dân tộc, giải phóng cho người lao khổ.

XUÂN DIỆU (Tố Hữu với chúng tôi, 1975)

   Một tiếng nói yêu thương luôn luôn chan hòa ánh sáng, tự nó cũng là ánh sáng, lại hết sức linh hoạt và uyển chuyển, mỗi lúc một khác, mỗi nơi một khác, kể cả những lúc chỉ là sự im lặng giữa các dòng thơ. Phải chăng đây chính là bản sắc riêng của thơ Tố Hữu.

HOÀI THANH (Chuyện thơ, 1978)

   Thơ Tố Hữu bao giờ cũng mới, càng ngày càng mới, vì nó thể hiện thế giới quan cách mạng của chủ nghĩa Mác, hệ tư tưởng vô sản, đạo đức cộng sản chủ nghĩa là những tư tưởng càng ngày càng trở thành cách nhìn, nếp sống phổ biến của những con người mới của thời đại.

NHƯ PHONG (Bình luận văn học, 1964)

Ðôi lời tâm giao với người bạn thơ Tố Hữu

Nhân năm anh 80 tuổi (Âm lịch)

Nhớ lại một thời chung chiến lũy
Hồn tươi trong thắm thiết tình người
Rồi sau đó những ngày vào ra lẩn quẩn
Những khóc cười mừng giận
Giấc mê tôi đằng đẵng thăng trầm
Trời vẫn xanh mây trắng vắng tri âm
Tia chớp nhục vinh lóe ngôi sao lạc
Ðã vèo đi nhanh thế một đời
Tồn đọng Anh và Tôi cùng bạc tóc
Ngẫm xa xưa mà gạn lọc chút yên vui.

   ****

Run rẩy niềm riêng Tôi so mình hạt cát
Nhìn sao rơi thăm thẳm đến vô cùng
Khi nhân loại sắp giao thừa thiên kỷ
Cầu Phật ban cho người ánh mắt bao dung
Hồn thi sĩ hẳn mấy lần khát vọng
Ôm vô thủy thiên hà vào mắt lệ vô chung
Anh với Tôi, đôi người thơ ngơ ngẩn
Lặng lẽ đồng hành về phía hư không
Chắc cõi ấy còn rưng thơ đất Việt
Mình sẽ gặp ai kia
Một thi sĩ đau thương đã viết:
"Bất tri tam bách dư niên..."

HOÀNG CẦM