NHÀ THƠ LÊ GIANG

TIỂU SỬ tự thuật:

   Tên họ: Trần Thị Kim.

   Bút danh: Lê Giang, Vũ Kim Sa.

   Sinh: 8-2-1930 tại Cà Mau; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh; Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.

   Tôi lớn lên trong ngành y tế Cách mạng (1945-1968). Là học trò của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng và bác sĩ Nguyễn Văn Thủ, bác sĩ Hồ Công Nghĩa. Cả ba người thầy dạy dỗ tôi nên người đều đã mất. Cuộc Tổng tấn công 1968 Mậu Thân đã đưa tôi từ ngành y tế sang Văn học nghệ thuật cho đến hôm nay. Sự chuyển ngành này do Trung ương Cục Miền Nam quyết định cùng nguyện vọng của tôi, vì tôi cảm thấy cuộc đời mà tôi đang sống luôn luôn thôi thúc tôi phải tập viết, tập ghi chép như mỗi ngày phải ăn cơm, phải uống nước.

   Ði với văn chương, thật là một cuộc phiêu lưu đầy thử thách, cay đắng bội phần. Nhiều lúc tiến thoái lưỡng nan, muốn trở lại ngành y, nhưng tôi luôn nghĩ trường đời cho tôi bước vào văn học là thiên nhiên và con người trong chiến tranh và tôi tiếp xúc hằng ngày: ngành y tế cũng là lục phủ ngũ tạng của văn chương. Vì vậy, chẳng có ai bàn ra tán vào làm tôi xiêu lòng, vì ở ngành nào thì ý nguyện của tôi là viết ra những suy nghĩ, những tình cảm luôn rạt rào từ yêu thương, ghét giận.

   Tôi đã sống với những người anh em, sống trong không khí văn học nghệ thuật đã 31 năm. Trong đó, hết bảy năm đánh Mỹ và 24 năm xây dựng hòa bình. Nếu có phải tiếc thì tôi chỉ tiếc những ý định thật bức xúc hơn bao giờ hết phải dành phần thắng từng ngày từng giờ với tuổi tác ngày càng cao, mặc dù chẳng mấy khi tôi ốm đau, nhưng sự sống đều có quy luật của nó, không thể cưỡng lại được.

   Tôi được sinh ra trên mảnh đất tận cùng vào năm 1930. Cái năm bắt đầu đất nước ta như một đứa bé đã qua thời kỳ lật, trườn, bò mà đang tập đi với sự hoan hô khích lệ của ông bà, cha mẹ, anh em. Tôi đã chứng kiến cuộc xử tử những người chiến sĩ cộng sản tại quê tôi, chứng kiến xe hơi của kẻ thù kéo lê những người vùng lên đấu tranh trên lộ đá, máu thẫm ướt mặt đường...

   Ði với văn chương, tôi mang theo hình ảnh của làng quê nơi chôn nhau cắt rún càng ngày càng là một bức tranh được tô thắm tình yêu thương nồng nàn.

   Không ai dạy làm thơ, tôi cũng tự tập xuống dòng, không ai dạy viết văn thì tôi tập ghi nhật ký. Cái chính là những gì xảy ra sau trận B52, những tiếng chim hót, những mầm xanh nhú lên sau cơn hủy diệt... Tôi không tự ti, không sợ ai chê thơ văn tôi dở. Tôi đọc nhiều nhưng cố gắng không thuộc lòng, vì sợ bị ảnh hưởng giọng của người khác. Tôi học cách nói, học chữ nghĩa của những người lao động ở miền quê tôi, vì tôi cho đó là gốc gác, sát sự thật, vô cùng phong phú và qua ngôn ngữ đó, có thể hiểu được bản chất và cá tính của con người ở các vùng đất.

TÁC phẩm chính:

   Phím đàn xanh; Bông vạn thọ (Văn nghệ Giải phóng, 1973); Sắc trắng (Văn học Giải phóng, 1977); Ơi, anh chàng hát rong (Tác phẩm mới - Hội Nhà văn Việt Nam, 1985); Tìm ngọc ở quê mình (tạp văn, Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1987).

   Các tập Dân ca (chung với nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, Nguyễn Văn Hoa, Lê Anh Trung).

   Dân ca Bến Tre (Ty Văn hóa - Thông tin Bến Tre xuất bản, 1981); Tìm hiểu Dân ca Nam Bộ (Chuyên khảo, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 1983); Dân ca Kiên Giang (Sở Văn hóa thông tin tỉnh Kiên Giang xuất bản, 1985).

   Và một số tập sưu tập dân ca khác.

TRÍCH dẫn:

Chiếc sào phơi

* Chiếc sào phơi!
Tôi thương chiếc sào phơi
Bằng ngọn tầm vông giao lóng
Trong mỗi sân vườn sào phơi râm bóng
Ðón chúng ta về phơi áo những ngày vui...

Mỗi bận hành quân lại nhớ chiếc sào phơi
Vẫn ngọn tầm vông giao lóng
Mẹ chặt nạng mù u gác sào trên sân rộng,
Gió sông gió đồng miên man
Cánh lụa, cánh hoa phần phật trong vườn
Bông khế, bông cau rơi đầy túi áo...
Chiếc sào phơi thời còn thơ ấu
Nắng se se vui cửa vui nhà
Nào có nghĩ gì...
... Lũ giặc đến làng ta!

Rồi cuộc sống gọi người đi chiến đấu
Chiếc sào phơi làm vũ khí - tầm vông?
Thay chiếc áo đen, quấn mảnh khăn rằn
Gió núi, gió rừng bay quấn quít
Sào thôi mặc áo hoa,
Không đợi mùa sắm Tết
Chút thẹn thùng bên chiếc áo cầu vai.
Bộ đội qua làng phơi mót nắng sào ai,

Mà cô gái trở trăn từng giọt nắng?
Ðời đi mãi bao mùa say chiến thắng
Vẫn nhớ về sân nhỏ: Chiếc sào phơi!
Một cánh áo mẹ may ta trải bốn phương trời!

* Chiếc sào phơi!
Tôi thương chiếc sào phơi
Bằng ngọn tầm vông giao lóng
Xém lửa na-pan, mình hằn vết đạn
Mà thản nhiên phơi sắc trời xanh
Bên hố bom thù chiếc sào phơi xinh xinh
Như cánh tay người mẹ
Căng niềm vui cho con lớn nên người
Chiếc mũ hồng nho nhỏ trên sào phơi
Vẫn lộng gió áo cầu vai năm trước.
Anh bộ đội qua làng ghé sào ai phơi nắng mót,
Mà choàng tay lên chiếc mũ bé thơ.
Nắng trong vườn đua nở những chùm hoa
Một chiếc sào phơi:
Hạnh phúc!
Những chiếc sào phơi trong mỗi sân vườn Tổ Quốc
Như có vòng tay anh Giải phóng quân
Vòng tay gìn giữ những mầm non!

*... Gìn giữ ngọn tầm vông giao lóng
Gìn giữ những sân vườn râm bóng
Ðón chúng ta về phơi áo những ngày vui!

Trạm Cồn Cỏ
        2-1971

Hà Nội, mùa này sấu chín chưa em

Hà Nội mùa này sấu chín chưa em;
Hàng me Sài Gòn đang vào mùa thay lá
Thoang thoảng vị chua khiến lòng anh nhớ quá
Nhớ mùa sấu rụng phố Tràng Thi.

Nhớ dáng em ngồi, nhớ bước em đi
Nhớ tiếng em cười, hờn ghen bóng gió
Yêu em, yêu em, vì em là ngọn lửa
Hơ ấm lòng anh khi tất cả đã xa vời.
Tuổi đang yêu, chua chát cũng ngọt bùi
Trái sấu chia đôi, tay - và - tay - chấm - muối
Chỉ có vậy mà lòng mình bối rối
Ðể bây giờ thèm sấu, nhớ tay ai?

Anh muốn tức thì hóa cánh chim bay
Ra nhặt sấu giữa phố đông Hà Nội
Cho hai đứa lại xòe tay chấm muối
Có sao  đâu dù sấu đã trái mùa!...

Hà Nội vào thu vắng những cơn mưa
Em hát với Sài Gòn, mưa lâm thâm mái phố
Thấm vào anh từng hạt thương hạt nhớ
Hạt sấu nào chín rụng giữa lòng tay!

8-1997

Ơi, anh chàng hát rong

(Tặng anh Quốc Hương)

I

Ba má hỏi thăm bây giờ anh ở đâu
Em biết anh ở đâu mà em chỉ
Chiều chiều ở trong rừng chuyển mưa
Em nghe anh gởi lời ca theo gió
... "Nước ngập đồng xanh lúa chết
Gió mưa sụp đổ mái nhà..." (1)
Sớm sớm qua bưng khoan nhặt tiếng anh hò
... "Trên xóm làng miền nam
Hình Người như "Tiến quân ca"
Giục lòng vươn cánh bay xa..." (2)
Em biết anh ở đâu em chỉ má bây giờ!?...

II

Anh bảo rằng ai vượt Cửu Long Giang
Sẽ gặp anh trong đoàn quân du kích
Nhưng "dưới trăng vàng U Minh" (3)
Em lại nghe anh hát
Dặn dò thôn nữ cấy trồng chống giặc ngoại xâm.
Ơi, có phải anh là chàng hát rong
Từ ngày bọn chúng em còn bé
Má hát ru em, con manh manh chuyền trên cành khế.
Anh hát má nghe bằng trận đánh Tầm Vu.

Ba khen giọng anh lên cao tít mù
Làm oằn ngọn tre trước nhà xóm Vị Thanh
Anh chèo xuồng đi hỏi vợ.
Má nói giọng anh trầm như nước lũ
Khi quân thù đốt trụi xóm bưng.

III.

Chiến dịch Tháng Tư
Bọn em thả buồm vượt sóng Cù Lao Dung
Cánh buồm bằng ngọn dừa nước
Cánh buồm xanh...
(Ngày xưa anh băng về rưng đước)
Chúng em qua xóm rẫy, kinh rừng
Quần áo chúng em ám khói đốt đồng
Cái mùi khói cay thương trào nước mắt
Bờ kinh Kiểm Lâm ong về làm mật
Cô bác về vun gốc lại vườn hoang.
Ðêm quây quần
Ba má lại hỏi anh
Ai chẳng biết "trên đường ta đi đánh giặc
Dù vào Nam hay ra phương Bắc" (4)
Ơi, anh chàng hát rong ơi!
Dù anh có đi cùng trời cuối đất
Thì bà con cũng nhận ở nơi đây
Nơi con kinh Kiểm Lâm ở cuối trời này
Họ đã sinh ra người hát rong hát những bài ca

Cho người trồng khoai gieo lúa
Những bài ca tuổi trẻ
Ðể làng xóm nhớ anh
Lên cao như ngọn tre
Và xuống trầm như nước lũ...

IV

Chúng em lại bơi xuồng đi trong gió trong mưa
Hát lại khúc ngày xưa anh hát
Có nàng "công chúa" U Minh chạy chân không trên bờ đất.
Ðêm U Minh lại đẹp ánh trăng vàng
Và ai kia còn đứng đó bâng khuâng...
Bờ tràm bên sông Trẹm xanh như liễu non
Nước Biển Bạch vẫn mặn mòi
Con tôm đất búng trong khe
Cánh buồm bằng ngọn dừa cuốn gió chạy te
Những cánh buồm xanh nối đuôi nhau ra trận

Những cánh buồm xanh vô tận
Như gởi lòng anh trổ giọng bay theo...
Em chỉ má ba nơi anh ở bây giờ
Trên những tầng cao âm thanh của gió
Trong tiếng nhấp nhô rì rào sóng vỗ
Mải miết non ngàn, thăm thẳm rừng xa
Và bây giờ anh trở lại quê xưa
Nơi anh bắt đầu
Tiếng hát!
ÁNH ĐIỆN SÁNG
Chớ phải đâu đầu anh bạc
Người nghe bỗng hát khúc đời mình...

Thành phố Hồ Chí Minh 5-1975

Sa mưa

Bầu trời thấp la đà trên chiếc nón người thương
Khiến ta thương cả mùa sa mưa
Thêm tuổi đời lặn lội
Vẫn thi vị cánh võng chiều ngủ lại
MỘT CỬA RỪNG, LÈN ĐÁ, ven sông...
Lấy nón người thương ta quạt bếp bên đường
Làm thêm đám mây thấp nhỏ.
Chiếc nón người thương thổi thành cơn gió
Gởi về cho mẹ nơi xa
Mùa mưa năm nay con trục ruộng quê nhà!...

ƠI, MÙA SA MƯA!
Âm điệu lách tách hoài suy nghĩ
Hạt lách tách nối dài dây bí,
Ðọt mùng tơi soi biếc làn da
Cái lách tách hối hả xòe năm cánh hoa cà
Xâu chuỗi kim cương trên lưng trần cày ruộng

Hạt lách tách xối xả tràn thơ mộng
Trên những con đường
Ta đi cùng người thương
Trắng xóa!
Màu mưa ấy ta đuổi theo hăm hở
Cho hạt mưa rơi bình yên
Không có tiếng bom gầm ngắt quãng
Và trộn khói na-pan.

Bầu trời thấp la đà trên chiếc nón người thương
Khiến ta thương cả màu mây vần vũ,
Thương cơn lốc xoáy tròn chiếc lá
Mặt sông dâng tiếng trẻ nô đùa.
Bắt cá lên đồng bờ ruộng láng le.
Mẹ không gọi con về vì mưa pháo!...
Bầu trời thấp giục đòng đòng vo hạt gạo
Hạt mưa cười... sa mưa!
Ta thương mây hồng mây xám của ta,
Từ khói bếp nên đường nho nhỏ,
Từ đám cháy cha đốt đồng dọn cỏ
Như gắn bó đời mình mỗi chiến dịch mùa mưa.

Ta làm chiến dịch màu xanh bao la...
Nào, cuốc giồng, lên tiếp,
Ðặt nụ xòe vỡ đất hoang
Thành nụ vàng hoa mướp.
Trời gầm
Lật đất gọi sa mưa!!

Mỏ công - Tây Ninh 7-1973

----------

(1) Lời bài hát Lên ngàn của Hoàng Việt.
(2) Lời bát hát Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người của Trần Kiết Tường.
(3) Lời bát hát Ðêm U Minh của Quốc Hương.
(4) Lời bài hát Ngọn đèn đứng gác. Thơ: Chính Hữu, nhạc: Hoàng Hiệp

Mùa trong năm

Người gánh hoa rong mời từng lượm cúc
Một sắc vàng mỏng tang. Một sắc tím trong mờ
Một dịu dàng mùa thu vừa xa khuất
Một thoáng gì trở lại những ngày xưa

Tóc ai xõa đen huyền trong gió
Ta đi qua còn phảng phất hương
Trời buổi sớm nghiêng mầu nguyệt bạch
Những bờ cây thay lá bên đường

Mùa dự cảm. Mùa như là thi sĩ
Thơ hào hoa. Thơ cũng tựa như người

Người không nói, lặng lẽ cười dung dị
Tiếng chuông nào ngân vọng mãi hồn tôi.