![]() |
Nhớ
Hồng Nguyên
Lũ chúng tôi,
Bọn người tứ xứ,
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi "một hai"
Súng bắn chưa quen,
Quân sự mươi bài,
Lòng vẫn cười vui kháng chiến
Lột sắt đường tàu
Rèn thêm dao kiếm
áo vải chân không
Ði lùng giặc đánh,
Ba năm rồi gửi lại quê hương,
Mái lều gianh,
Tiếng mõ đêm trường,
Luống cày đất đỏ
ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya.
Chúng tôi đi
Nắng mưa sờn mép ba lô,
Tháng năm bạn cùng thôn xóm
Nghỉ lại lưng đèo
Nằm trên dốc nắng
Kỳ hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng
Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa
- Ðằng nớ vợ chưa?
- Ðằng nớ?
- Tớ còn chờ Ðộc lập
Cả lũ cười vang bên ruộng bắp
Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu.
Chúng tôi đi mang cuộc đời lưu động
Qua nhiều nơi không nhớ hết tên làng
Ðã nghỉ lại rất nhiều nhà dân chúng
Tôi nhớ bờ tre gió lộng
Làng xuôi xóm ngược mái rạ như nhau
Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau
Có tiếng gà gáy sớm
Có "khai hội, yêu cầu, chất vấn"
Có mẹ hiền bắt rận cho những đứa con xa
Trăng lên tập hợp hát om nhà
Tôi nhớ
Giường kê cánh cửa
Bếp lửa khoai vùi
Ðồng chí nớ vui vui
Ðồng chí nớ dạy tôi năm tối chữ
Ðồng chí mô nhớ nữa
Kể chuyện Bình Trị Thiên
Cho bầy tôi nghe ví
Bếp lửa rung rung đôi vai đồng chí
- Thưa trong nớ hiện chừ vô cùng gian khổ
Ðồng bào ta phải kháng chiến ra ri.
Ðêm đó chúng tôi đi
Nòng súng nghiêng nghiêng
Ðường mòn thấp thoáng...
Trong điếm nhỏ
Mươi người trai tráng
Sờ chuôi lựu đạn
Ngồi thổi nùn rơm
Thức vừa rạng sáng
Nhìn trời sương nhẩm bước chúng tôi đi
Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni
Dân chúng cầm tay lắc lắc
Ðộc lập nhớ ghé viền chơi cho chắc.
"Nhớ" là một bài thơ hay của Hồng Nguyên. Hồng Nguyên tên thật là Nguyễn Văn Vượng, sinh năm 1922, mất năm 1954. Bài thơ "Nhớ" được viết vào năm 1946 khi nhà thơ sắp lên đường vào Vinh làm việc ở tờ báo Dân Mới. Bài thơ " Nhớ" gắn với bút danh Hồng Nguyên từ đó để thời gian vẫn nhớ tới một gương mặt thơ tài hoa mà đoản mệnh của xứ Thanh.
Nói đến bài thơ "Nhớ", Nhà thơ Hà Quang Nguyên, PCT Hội Văn Nghệ Thanh Hoá cho rằng:" Nhớ" là một sự lột xác tài tình. Hồng Nguyên chưa bao giờ viết trục trặc phá luật như thế mà vẫn được cái hay, cái khí phách của người lính vệ quốc. Từ ngạc nhiên đến hứng thú, "Nhớ" làm tôi ứa nước mắt khi nghe đọc ở Hội trường Tam Lạc.Trong một bài báo viết về bè bạn, nhà báo Minh Ðệ viết:" Cái còn lại trong lòng người thân bè bạn và những người yêu thơ là bài thơ "Nhớ". Rất ít có những nhà thơ với một tấc phẩm duy nhất đã gây được trong lòng người đọc như Hồng Nguyên với bài thơ " Nhớ".
Bài thơ "Nhớ" của Hồng Nguyên là vậy. Với ông, thơ là ký ức của cuộc đời."Nhớ" chính là ký ức về cuộc đời chiến sĩ, một cuộc đời lưu động với bao kỷ niệm khó quên, nhớ thương da diết của thuở ban đầu bước vào cuộc kháng chiến, là điểm tụ, điểm gặp gỡ quen thân của người chiến sĩ.
Lũ chúng tôi
Bộ người tứ xứ.
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi một hai
Ðiểm tụ phát ra những tia sáng đầu tiên cho nỗi nhớ khác với bài thơ "Ðồng chí" của Chính Hữu bắt đầu từ những điểm rời, từ những điểm phân tán " Quê hương anh nước mặn đồng chua. Làng tôi nghèo đất cày nên sỏi đá" để đi tới cái ta, cái chung"Ðồng chí"
Tình đồng chí được thể hiện trong " Nhớ" là hình ảnh người chiến sĩ gắn bó với nhau từ trận đánh đầu tiên trong cuộc kháng chiến chín NĂM." LỘT SẮT ĐƯỜNG TÀU RÈN THÊM DAO,KIẾM.ÁO VẢI CHÂN KHÔNG ĐI TÌM GIẶC ĐÁNH". HÌNH ẢNH THẬT RẮN RỎI sinh động. Hơi thở thật chắc khỏe, hào hùng. Tất cả đều tạc vào nỗi nhớ những ấn tượng khó quên.
Kỷ niệm về tình đồng đội của những người lính vệ quốc quân gắn liền với những hình ảnh bình dị mà đẹp lạ lùng:
Kỳ hộ lưnh nhau, ngang bờ cát trắng
Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa
Chi tiết "Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa" vừa gần gũi, thiết thực đối với cuộc sống đầy gian lao của những người lính vệ quốc năm xưa. Hồng Nguyên thực sự tài hoa khi ông viết về những cung bậc tình cảm người lính trong những ngày hành quân ra trận. Nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con luôn thôi thúc người lính. Tình thương vừa cụ thể, vừa khái quát, lại dân dã lại đầy xao động.
ÍT NHIỀU NGƯỜI VỢ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya
Nỗi nhớ hiện hữu ngay cả trong tiếng cười trẻ trung trong sángcủa người lính từ vùng quê nghèo khó ra đi.
-Ðằng nớ vợ chưa.
-Ðằng nớ?
-Chưa.Tớ còn chờ độc lập
Cả lũ cười vang bên ruộng bắp
Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu.
Ðộc lập, niềm khát khao mơ ước và hạnh phúc. Ðó là điểm tụ thứ hai của người lính về với người lính, để người lính trở về với nhân dân, và để nỗi nhớ lại cháy lên tia sáng mạnh mẽ tiếp theo
Tôi nhớ bờ tre gió lộng
Tôi nhớ giường kê cánh cửa
Chúng tôi đi nhớ nhất câu ri
Dân chúng cầm tay lắc lắc
Ðộc lập nhớ ghé viền chơi cho chắc.
Tình đồng chí, đồng đội là nguồn mạch cho nỗi nhớ. Và hơn thế nữa đã làm nên sức mạnh của dân tộc, của cuộc kháng chiến, là khát vọng của độc lập, tự do. Những kỷ niệm bừng lên, lan toả miên man qua những con đường mòn thấp thoáng, những xóm làng,lưng đèo, dốc nắng của người lính"Nắng mưa sơn mép ba lô" để lại trở về với hình ảnh" Dân chúng cầm tay lắc lắc. Ðộc lập nhớ ghé viền chơi cho chắc"
"Nhớ" như một bản nhạc hay, giàu tiết tấu, giai điệu , lay động lòng người. Nhịp thơ biến tấu theo những câu dài ngắn kaác nhau, có những câu chỉ hai âm tiết, cũng có những câu nhiều âm tiết nhằm diễn đạt những cung bậc tình cảm và cảm xúc của nhà thơ."Nhớ" được viết theo thể thơ tự do, tự do như nỗi nhớ, như cuộc đời giản dị mộc mạc chân thành tha thiết.Những câu hỏi câu kể đầy tính khẩu ngữ mang bản sắc của một địa phương, một vùng đất, thuật ngữ chính trị một thời "khai hội", "yêu cầu", " chất vấn" vẫn được dung nạp vào thơ vừa tự nhiên thanh thoát, vừa gợi cảm.
Sau Cách Mạng Tháng Tám, đi vào kháng chiến với những hình ảnh cuộc sống và con người mới, Hồng Nguyên đã thành công bài thơ "Nhớ"- một trong số không nhiều những bài thơ hay nhất của kháng chiến chín năm hào hùng và đã cháy sáng trong nền thơ Việt Nam mấy chục năm qua.
Vương Hồng Hoan