![]() |
"Ðôi mắt" trong thơ Nguyễn Ðình Thi
Trong hơn 100 bài thơ của Nguyễn Ðình thi in trong các tập "Người chiến sỹ', "bài thơ Hắc hải', "Dòng sông trong xanh", "Tia nắng và thơ Nguyễn Ðình thi có tới hơn 40 bài có hình ảnh đôi mắt.
Người ta thường nói: "Ðôi mắt là cửa sổ của tâm hồn". Tâm hồn con người thì lại vô cùng phong phú và đa dạng. Bởi vậy cái "cửa sổ" đó- như một lẽ tự nhiên- cũng kỳ ảo lạ lùng. Ðấy là cái "cửa sổ tâm hồn" trong thơ không phải ai cũng tạo dựng được một cách mãn nguyện.
Nổi bật trước hết trong thơ Nguyễn Ðình Thi là đôi mắt đau thương. Ðó là "đôi mắt đục ngơ ngác nhìn"của em bé gái tóc dài bết máu, trần truồng ở Vân Ðình sau trận giặc nhảy dù tàn phá quê hương (1948). Ðó là giọt nước mắt tủi nhục của em bé phải di ở cho nhà địa chủ:"Ðêm khuya giã gạo rời tay
Một mình mình khóc mình hay một mình"Ðó là những giọt "nước mắt như mưa", nước mắt "chan hoà" và những "mắt hốc","mắt mờ nửa chết nửa mê" của những bà mẹ bị thực dân phong kiến vùi dập tưởng không còn đường sống nếu không có cách mạng về (Mẹ con đồng chí Chanh)
Diễn tả nội tâm đau thương, Nguyễn Ðình Thi thường nói nhiều đến nước mắt là điều dễ hiểu. Anh cán bộ, bộ đội cứng rắn là vậy khi về qua nhà cũng không khỏi xót xa "Thương vợ suốt đời khổ- Hai hàng nước mắt dào" (Về nhà). Nước mắt thường lẫn với mồ hôi và máu: "nước mắt mồ hôi" (Buổi chiều Vàm Cỏ), "mắt nhoà mồ hôi" (ánh biếc)"đầm đìa nhoà mắt" (Trong đêm), "nước mắt máu chúng ta còn đọng" (Bài thơ Hắc hải)... Giọt nước mắt đau thương tận cùng được tác giả nhân lên một kích thước có tầm cỡ: "Gịot nước mắt thành gịot mặt trời" (Trên con đường nhỏ).
Từ trong vất vả đau thương đã ánh lên đôi mắt căm thù. Nguyễn Ðình Thi đặc tả đôi mắt "người tù mở mắt- giữa bốn bức tường đen" và "mắt chớp nhanh - Nghiến răng anh ngồi dậy" để trả lời đồng đội "vẫn sống và giữ vững khí tiết cách mạng" (Lòng Hà Nội). Cũng trong đêm Hà Nội tạm bị chiếm, có bao đôi mắt căm thù và chờ đợi một ngày ta giải phóng:"Những mắt người như những thanh gươm
Lấp loá trong đêm chờ đợi"
(Hà Nội đêm nay)Trước sự tàn bạo của quân thù, có biết bao ánh mắt đầy căm giận. Ðó là cái "lừ lừ trừng mắt" của mấy người thợ chứng kiến cảnh lũ giặc hành hình các chiến sỹ yêu nước( Ai biết tên các anh).
Chiếm số lượng nhiều nhất và cao nhất trong thơ Nguyễn Ðình Thi viết về mắt là "đôi mắt tình thương". Có thể nói có biết bao trạng thái thương yêu của tâm hồn con người thì như cũng được dồn cả vào đôi mắt.
Ðôi mắt đó có sắc màu: "Em đấy ư mắt biếc hồng" (Núi và biển), "Mắt biếc màu xanh biếc xa khơi", "Hỡi cô gái mắt nàng như lửa", "Mắt đen cô gái long lanh' (Bài thơ Hắc Hải)
Ðôi mắt đó biểu hiện tâm trạng của con người. Có khi biểu hiện sự khổ đau "lã chã vơi đầy". Có khi biểu sự 'bồi hồi" xúc động "mắt bồi hồi em đi bên anh". Có khi biểu hiện nỗi nhớ nhung "đăm đăm đôi mắt trông vời quê hương" và "như mắt người chinh phụ héo hon". Có khi biểu hiện nỗi lo âu hoặc đón đợi tin chiến thắng "mắt chị bỗng rưng rưng" và "xóm làng bao nhiêu con mắt trông theo"... đoàn máy bay ta xung trận.
Ðôi mắt đó có khi được cảm nhận cụ thể nhưng cũng có khi rất khó diễn tả. Ðó là "đôi mắt xa xăm", đôi mắt "bùi ngùi", "mắt nao nao"...Cũng có đôi mắt nói được rất nhiều điều: "Mắt em nhìn dịu dàng không nói- mà nói với anh nhiều biết bao nhiêu". Có đôi mắt hành động và có đôi mắt nghĩ ngợi. Có đôi mắt biểu hiện sự trưởng thành của con người: "Ta đi đôi mắt sáng dần". Có gịot nước mắt làm nên sức mạnh. Ðó là giọt "nước mắt người mẹ- làm đứng dậy người con"hoặc "Hỡi cô gái mắt nàng như lửa- Ðốt lòng ta nhớ tới quê hương" (Bài thơ Hắc Hải).
Thơ Nguyễn Ðình Thi trong sáng, giản dị, gần với tiếng nói quần chúng. Hình ảnh đôi mắt xuyên suốt chặng đường thơ ông. Những năm gần đây nhà thơ vẫn tiếp tục viết về đôi mắt. Ðó là đôi mắt "dõi xa", đôi mắt "đăm đắm mãi" nhưng vẫn là đôi mắt của đời tình nguyện qua trải nghiệm.
Nhà thơ cảm nhận được "sự sống luôn tự mở đường" và tự khuyên mình "Biết nhìn nơi xa- Và thấy mỗi vật từ sát gần". Ðể từ đó, tôn vinh giá trị của đôi mắt bằng triết lý: "Cái không mất thường ở trong mắt" (Nhìn xem).Theo bài viết của tác giả Nguyễn Long
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn